Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, bà Merkel đã bày tỏ hy vọng những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới thành công, đồng thời khẳng định Đức sẽ sớm gửi lời mời các bên liên quan tới tham dự một hội nghị tại Berlin. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Liên hợp quốc sẽ chủ trì cuộc đàm phán nếu sự kiện này diễn ra ở Berlin và rằng các bên tham chiến ở Libya cần đóng vai trò chính nhằm giúp tìm ra một giải pháp. Theo bà, mục đích của cuộc đàm phán là tạo cơ hội để Libya trở thành một quốc gia có chủ quyền và hòa bình.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin đã bày tỏ ủng hộ tiến trình hòa bình nói trên, cho rằng đây là một ý tưởng "đúng lúc" và cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột ở Libya.
Trước đó ngày 8/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya. Sau cuộc hội đàm tại thành phố Istanbul trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung kêu gọi hướng tới một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.
Hai nhà lãnh đạo đi đến nhất trí trên trong bối cảnh Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.