Đức ra tối hậu thư để châu Âu giải quyết khủng hoảng

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maizière ngày 22/2 cảnh báo rằng các nước châu Âu chỉ còn hai tuần để thực thi các biện pháp vừa được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần qua.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere (giữa), Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Caseneuve (trái) trước cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras để bàn về vấn đề người di cư tại Athens ngày 5/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn phát biểu của ông de Maizière trên kênh truyền hình ARD, lưu ý rằng 2 tuần tới là thời điểm mang tính quyết định để châu Âu thực thi các biện pháp đã đạt được, và nhấn mạnh châu Âu sẽ không cần phải tính tới "các biện pháp khác" nếu các thoả thuận được các bên triển khai.

Trong số các biện pháp ưu tiên thực hiện có chiến dịch hành động chung EU - Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hợp tác của Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chống đưa người lậu vào châu Âu, cũng như việc đưa người tị nạn ở Địa Trung Hải trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Liên quan việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của Áo, ông de Maizière cho rằng quyết định của Vienna là "không thể chấp nhận" khi chỉ đồng ý nhận 80 người tị nạn/ngày, song lại cho phép tới 3.200 người tị nạn qua biên giới nước này để tới Đức. Bộ trưởng de Maizière cũng cho biết ý định đưa hành động của Áo ra thảo luận tại hội nghị bộ trưởng nội vụ EU, dự kiến diễn ra ngày 25/2 tới ở Brussels (Bỉ).

Hiện ở Đức, áp lực vẫn đang gia tăng trong nội bộ nước này, trước hết nhằm vào Thủ tướng Đức Angela Merkel vì chính sách giải quyết khủng hoảng của bà. Hai chính trị gia cấp cao thuộc đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà là Julia Klöckner và Guido Wolf đã viết một bức thư ngỏ gọi các biện pháp của Áo là "mô hình mẫu", đồng thời kêu gọi bà Merkel áp đặt mức hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn hàng ngày cũng như xây dựng các trung tâm xử lý tiếp nhận ở biên giới. Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền, Sigmar Gabriel, đã chỉ trích các ý tưởng của hai chính trị gia CDU, cho rằng hai người này đã "đâm sau lưng" bà Merkel chính vào lúc Thủ tướng Đức đang cần sự ủng hộ.

Hơn 8.000 người mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp - Macedonia

Người tị nạn chờ kiểm tra an ninh sau khi qua khu vực cửa khẩu ở biên giới Macedonia để vào Serbia, gần làng Miratovac (Serbia), ngày 29/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng nghìn người di cư đã bị mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi Macedonia ngày 22/2 bất ngờ đóng cửa biên giới nước này với Afghanistan, tạo ra tình trạng "ùn tắc" mới trong bối cảnh các nước châu Âu đang vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Các số liệu thống kê sơ bộ cho biết khoảng 8.000 người đã mắc kẹt tại khu vực biên giới phía Bắc Hy Lạp và cảng Piraeus của nước này sau khi Macedonia thông báo biện pháp đóng cửa biên giới tiếp sau quyết định của một số các nước tăng cường kiểm soát lộ trình của người di cư nhằm buộc các nhóm người Afghanistan quay trở về. Trước đó, nhà chức trách Macedonia đã quyết định đóng toàn bộ cửa khẩu biên giới do căng thẳng gia tăng tại khu vực biên giới, nơi hàng trăm người Afghanistan tiến hành một cuộc biểu tình ngồi tại một khu vực không có người sinh sống và phong tỏa tuyến đường sắt nối liền hai nước. Những người biểu tình còn mang theo những khẩu hiệu ghi rõ: "Chúng tôi không thể quay trở lại, tại sao lại phân biệt chủng tộc", "Giúp chúng tôi đi qua biên giới...".

Theo thông báo của cảnh sát Macedonia, nước này buộc phải hạn chế những người di cư Afghanistan do các nước Serbia, Croatia và Slovenia tuyên bố giảm tiếp nhận người nhập cư và hơn 600 người tị nạn Afghanistan đã bị đưa trả về Macedonia trong những ngày qua. Một quan chức Bộ Ngoại giao đề nghị giấu tên nói: "Chúng ta không thể cho phép Macedonia trở thành vùng đệm hay trại tị nạn".

Frontex: Số người di cư vào châu Âu giảm mạnh

Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex), riêng trong tháng 1 năm nay, số người di cư qua đường biển vào châu Âu qua Hy Lạp và Italia, cũng như số người di cư có lộ trình qua các nước Balkan, đã giảm mạnh so với tháng cuối năm 2015.

Theo Frontex, số người di cư vào Hy Lạp trong tháng 1/2016 là 68.000 người, giảm khoảng 40% so với tháng 12/2015. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm chủ yếu do thời tiết xấu gây khó khăn cho việc vượt biển bằng tàu thuyền. Số người di cư (chủ yếu từ Nigeria) đến bờ biển Italia trong tháng đầu năm 2016 cũng đã giảm 42%, với tổng số 5.600 người. Trên lộ trình qua Balkan, số người tị nạn tìm cách vào EU trong tháng qua cũng giảm xuống còn 65.300 người, giảm 1/3 số trường hợp so với tháng trước đó.

Trước việc các nước Đông Âu đóng cửa biên giới với người tị nạn, cuối tuần qua, hàng trăm người tị nạn đã bị bắt khi tìm cách vượt hàng rào dây thép gai từ Serbia vào Hungary. Theo nguồn tin cảnh sát Hungary, trong những ngày qua, số người tị nạn vượt qua hàng rào dây thép gai bảo vệ biên giới phía Nam của Hungary đã tăng mạnh. Tính riêng trong 3 ngày từ 19-21/2 đã có trên 500 người bị bắt do tìm cách vượt biên giới trái phép từ Serbia vào nước này. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cảnh báo sẽ tiếp tục dựng hàng rào dọc biên giới nước này với Romania để ngăn chặn người tị nạn.

TTXVN/Tin Tức
Đồng thuận về Brexit và bế tắc di cư
Đồng thuận về Brexit và bế tắc di cư

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong các ngày 18-19/2 là thành công bước đầu trong vấn đề Brexit và bế tắc trong phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN