Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đúng 11h (giờ Berlin), phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội liên bang chính thức bắt đầu. Các nội dung quan trọng nhất của phiên họp đầu tiên gồm: bầu Chủ tịch Quốc hội mới; bầu Đoàn Chủ tịch; thông qua nghị quyết về các quy tắc hoạt động của quốc hội và một số nghị quyết khác.
Theo quy định hiện hành của luật pháp Đức, nghị sỹ lâu năm nhất trong quốc hội sẽ là người chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên, cho tới khi Chủ tịch Quốc hội mới được bầu. Hiện tại, Chủ tịch Quốc hội khóa 19, ông Wolfgang Schäuble, 79 tuổi, thuộc đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), là nghị sỹ lâu năm nhất (liên tục từ năm 1972 đến nay) trong Quốc hội khóa 20. Do đó ông Wolfgang Schäuble sẽ chủ trì phiên họp này, tới khi chủ tịch mới được bầu.
Về thành phần, Quốc hội liên bang Đức khóa 20 có số lượng nghị sỹ lớn nhất từ trước tới nay với 736 thành viên. Trong đó, đảng Dân chủ xã hội (SPD) là đảng có số nghị sỹ lớn nhất (206 nghị sỹ); tiếp đó là liên đảng Dân chủ cơ đốc giáo/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU, 197 nghị sỹ); đảng Xanh (118); đảng Dân chủ tự do (FDP, 92); đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD, 82) và đảng Cánh tả (Die Linke, 39). Ngoài ra còn có 2 nghị sĩ tự do. Trong cuộc bầu cử vừa qua, có 279 nghị sỹ lần đầu tiên được bầu vào quốc hội liên bang.
Độ tuổi trung bình của các nghị sỹ Quốc hội khóa 20 là 47,5 tuổi, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua; thành viên trẻ nhất mới chỉ 23 tuổi (thuộc đảng Xanh). Tỷ lệ nữ là 35%, cao hơn so với Quốc hội khóa 19 (31%). Theo truyền thống, quyền đề xuất Chủ tịch Quốc hội khóa mới thuộc về đảng mạnh nhất trong quốc hội, hiện là đảng SPD. Đảng này đã đề xuất nghị sỹ Bärbel Bas làm Chủ tịch Quốc hội mới.
Sau cuộc họp toàn thể đầu tiên, Tổng thống Đức sẽ trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng chính phủ Angela Merkel và các Bộ trưởng trong chính phủ liên bang khóa cũ tại cung điện Bellevue. Tuy nhiên, do chính phủ mới chưa được thành lập nên Tổng thống Đức sẽ yêu cầu bà Merkel tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng; bà Merkel cũng sẽ yêu cầu các thành viên khác của chính phủ tiếp tục đảm nhiệm vị trí hiện tại cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Cuộc họp lần này rất được dư luận mong đợi vì đây là lần đầu tiên sau 16 năm tiên tục, liên đảng CDU/CSU không còn là lực lượng mạnh nhất trong Quốc hội liên bang Đức, do thất bại trong cuộc bầu cử hôm 26/9 vừa qua. Về mặt lý thuyết, CDU/CSU vẫn còn cơ hội đàm phán thành lập liên minh cầm quyền, nếu như các cuộc đàm phán liên minh giữa 3 đảng SPD, đảng Xanh và đảng FDP thất bại.
Tuy nhiên trong thực tế, điều này rất khó xảy ra. Hiện tại, đảng SPD, đảng Xanh và đảng FDP đã đạt được sự đồng thuận cơ bản và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chi tiết thành lập liên minh cầm quyền, bắt đầu từ ngày 27/10 tới. Theo kỳ vọng của các đảng, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong tháng 11 tới để Chính phủ mới có thể chính thức ra mắt trong tháng 12, mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho nước Đức.