Đức nhấn mạnh ưu tiên xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên thiết lập các tuyến đường vận tải tin cậy để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và đây cũng sẽ là chủ đề chính của Hội nghị Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu do Chính phủ Đức tổ chức ngày 24/6.

Chú thích ảnh
Nông dân xếp ngũ cốc tại kho ở vùng Mykolaiv, Ukraine, ngày 11/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu ngày 24/6 tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Baerbock cho biết cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cho thấy cần xây dựng những tuyến đường vận tải mới để về lâu dài ngũ cốc từ Ukraine có thể xuất khẩu ra thế giới, thay thế cho việc chuyển hàng từ cảng Odessa đã bị phong toả. Một trong số các khả năng này là sử dụng tuyến đường bộ qua Romania và vận chuyển nội địa bằng tàu qua sông Danube. Ngũ cốc cũng đã được vận chuyển qua các tuyến đường này, trong đó Công ty vận tải DB Cargo thuộc tập đoàn Deutsche Bahn (DB) cũng tham gia. Chính phủ liên bang Đức ủng hộ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm cách giải phóng các cảng bị phong tỏa, song từ chối yêu cầu của Nga đề nghị Ukraine trước tiên phải dọn sạch mìn, chất nổ tại các cảng.

Ngoại trưởng Baerbock cho biết việc tổ chức hội nghị lương thực toàn cầu tại Berlin là để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và với người dân ở Nam bán cầu. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh cần phải có các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine, đồng thời hy vọng có thể nối lại xuất khẩu hằng ngày ngũ cốc từ Ukraine vào đầu tháng 7 tới. Cũng theo bà, hiện trên thế giới đang có khoảng 345 triệu người có nguy cơ thiếu lương thực. Nguyên nhân dẫn tới điều này không phải mới, vẫn là xung đột khu vực, hạn hán, hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19, song hiện có thêm yếu tố là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Hội nghị lương thực toàn cầu tại Berlin được tổ chức theo lời mời của Ngoại trưởng Baerbock, Bộ trưởng Phát triển Svenja Schulze và Bộ trưởng Nông nghiệp Cem Özdemir. Theo Bộ trưởng Schulze, Ukraine cung cấp thực phẩm cho khoảng 400 triệu người trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, việc giao hàng không thể tiến hành, trong khi nhiều nước phải chịu giá cả tăng cao. Bà nhấn mạnh "người nghèo nhất vẫn là người phải chịu đựng nặng nề nhất", đồng thời cảnh báo nếu không sớm có biện pháp ứng phó, thế giới có nguy cơ phải đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bộ trưởng Schulze khuyến nghị ngoài hỗ trợ tài chính cũng cần phải thay đổi hệ thống nông nghiệp ở các nước Đông Phi, như việc để người dân có thể tự trồng trọt. Bà cũng thông báo Đức sẽ chi 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD) trong năm nay nhằm chống lại nạn đói toàn cầu.

Hội nghị Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu có sự tham dự của 40 bộ trưởng các nước, đại diện của Liên hợp quốc và tổ chức xã hội và các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt như Ukraine, Nigeria, Tunisia và Indonesia.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tiếp tục đàm phán về tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tiếp tục đàm phán về tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tiếp tục thảo luận về một hành lang an toàn trên biển Đen để phục vụ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau các cuộc thảo luận tại Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN