Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các đội tiêm chủng lưu động đã được triển khai tại khắp các khu vực, kể cả những địa điểm đông người như thư viện, xe buýt, cửa hàng, nhà thờ và trung tâm cộng đồng… nhằm thu hút một lượng đông nhất người dân đủ điều kiện tham gia tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài những địa điểm trên, các trung tâm tiêm chủng vẫn tiếp tục mở cửa để tiếp nhận người đến tiêm mà không cần phải đặt hẹn trước. Một điều thú vị tại quận Wedding ở Berlin, quán Kaplan Döner tặng mỗi người đến tiêm một chiếc kebab và chương trình sẽ áp dụng từ thứ Tư đến thứ Sáu hằng tuần. Một số điểm tiêm chủng còn được triển khai ngay tại sở thú và trung tâm thể dục thể thao.
Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc diễn ra khi tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua trên cả nước tăng lên 81,9 ca/100.000 dân. Theo số liệu giới chức y tế công bố ngày 13/9, đã có 5.511 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua và 12 ca tử vong, tăng so với mức 4.749 ca mắc/100.000 người ghi nhận một tuần trước đó.
Mặc dù tuần lễ tiêm chủng được khởi động từ ngày 13/9, nhưng việc tiếp cận với vaccine dễ dàng và thuận tiện sẽ vẫn tiếp tục được thúc đẩy sau đó nhằm tăng hơn nữa tỷ lệ bao phủ vaccine trong bối cảnh mùa Đông sắp tới, nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Phát biểu với tờ ZDF, Chánh Văn phòng thủ tướng Đức, ông Helge Braun, khẳng định: "Chiến dịch tiêm chủng sẽ không kết thúc trong tuần lễ hành động này, mà sẽ tiếp tục trong những tuần tới". Mục đích là nhằm ngăn chặn làn sóng dịch thứ tư có thể xảy ra vào mùa thu và mùa đông năm nay. Ông Braun nói: “Nếu chúng tôi không làm gì, một đợt dịch mới có thể sẽ ập đến, các bệnh viện sẽ lấp đầy trở lại, tiếp tục quá tải, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu dịch tễ Martin Stürmer tại Frankfurt, trong phát biểu với đài truyền hình ARD, cho rằng ngoài các chiến dịch tiêm chủng, công tác giáo dục là rất cần thiết. Theo ông, nhà chức trách cần phải tìm hiểu những nhóm đối tượng chưa muốn tiêm chủng và xem có thể thuyết phục được họ không.
Cho đến nay, có khoảng 65,5% người dân ở Đức đã được tiêm ít nhất một mũi và 62,2% đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đồng nghĩa với khoảng 34% dân số chưa được tiêm vaccine. Giám đốc Hiệp hội các thị trấn và thành phố tại Đức, ông Gerd Landsberg cũng kêu gọi sử dụng mạng xã hội một cách sáng tạo hơn.
Theo đó, kêu gọi những người có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật, văn hóa và thể thao vận động tiêm chủng. Ông cho rằng: “Chúng ta từng có các đại sứ đọc sách, thì cũng nên có các đại sứ tiêm chủng”. Ông nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng phải được duy trì, nghĩa là trong vài tháng tới, nếu không chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến chống lại làn sóng dịch thứ tư.
Từ nhiều tuần qua, các cơ quan chức năng và các chuyên gia y tế đã nỗ lực thuyết phục những người hoài nghi đi tiêm vaccine. Chính phủ đã thực hiện các quy định hạn chế nghiêm ngặt trên toàn quốc đối với những người không tiêm vaccine khi muốn tham gia các sự kiện trong nhà. Điều này có nghĩa là mọi người phải đi tiêm chủng, hoặc phải có chứng nhận phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Kể từ ngày 11/10, Đức sẽ ngừng việc xét nghiệm miễn phí. Quyết định trên được cho sẽ gây khó khăn cho những người chưa tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng. Trước đó, ngày 12/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mọi người nên tận dụng các ưu đãi hiện nay. Bà khẳng định: “Việc tiêm phòng vaccine chưa bao giờ dễ dàng, nhanh và thuận tiện như thế”. Theo các chuyên gia, cần ít nhất 75% người dân tiêm chủng mới có thể ngăn chặn và “làm phẳng” đường cong dịch tễ làn sóng dịch thứ tư.