Đây được coi là một thành tựu trong chiến dịch tiêm chủng của nước này nhằm nhanh chóng đẩy lùi đại dịch và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sáng 28/7, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cuối năm ngoái, tới nay, nước này đã hoàn thành tiêm chủng được cho trên 50% dân số. Ông coi đây là "hòn đá tảng" trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này, đồng thời nhấn mạnh khi càng có nhiều người được tiêm chủng thì Đức sẽ được đảm bảo an toàn hơn vào mùa Thu và mùa Đông này. Tuy vậy, ông cũng cho rằng đây chỉ là thành tựu bước đầu và vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng để công việc này được thực hiện cho hầu hết dân số. Ông kêu gọi người dân tích cực đi tiêm chủng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đã giảm giáng kể trong vài tuần gần đây, đặc biệt là tình trạng số ca mắc mới đang ngày càng gia tăng.
Hiện tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày trên toàn quốc ở Đức đã tăng lên 15,0. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 2.768 ca mắc mới và 21 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Cho tới nay, Đức đã có 3,75 triệu người bị mắc COVID-19, trong đó có 91.586 người tử vong.
Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tính đến sáng 28/7, Đức đã hoàn thành việc tiêm chủng đầy đủ cho 41,8 triệu người, chiếm 50,2% dân số của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Nhóm người trên 60 tuổi được tiêm chủng đầy đủ ở mức cao nhất, chiếm 78,1%; đứng thứ hai là nhóm tuổi từ 18-59 tuổi (50%) và thấp nhất là nhóm tuổi từ 12-17 tuổi (8,4%). Tổng cộng đã có 90,3 triệu liều vaccine được tiêm chủng ở Đức và 61,1% dân số được tiêm chủng ít nhất 1 mũi.
Chủ tịch RKI Lothar Wieler cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 của dịch COVID-19 đã bắt đầu ở Đức khi tỷ lệ lây nhiễm mới đang gia tăng, dù với tốc độ chậm. Do vậy, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức dự kiến sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến tiếp theo vào ngày 10/8 tới nhằm bàn các biện pháp duy trì tỷ lệ lây nhiễm mới ở mức thấp, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng quá tải cho hệ thống y tế.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan (MSD) Somsak Akksilp vừa cho biết tình trạng thiếu oxy điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nước này đang trở thành một vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng buôn lậu bình oxy sang nước láng giềng Myanmar. Ông Somsak đã bày tỏ lo ngại của mình trong cuộc họp báo tại Bộ Y tế Thái Lan, đồng thời cho rằng tình trạng thiếu oxy đã làm đình trệ kế hoạch trang bị các loại bình oxy tốt hơn cho một số bệnh viện.
Trước đó, hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit khẳng định Thái Lan có đủ oxy cho tất cả mọi người. Ông Suriya nhấn mạnh Thái Lan có 15 nhà máy sản xuất oxy với công suất 1.860 tấn/ngày và sẽ có thêm một nhà máy vào tháng 8, nâng tổng công suất của cả nước lên 2.200 tấn mỗi ngày. Tổng nhu cầu oxy của Thái Lan trung bình là 1.260 tấn/ngày, trong đó lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ 660 tấn/ngày, trong khi lĩnh vực y tế cần 400-600 tấn/ngày.
Trong diễn biến khác liên quan, Nội các Thái Lan ngày 27/7 đã thông qua việc sử dụng bài thuốc làm từ cây Fah Talai Jone để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng.
Phó phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết Fah Talai Jone có chứa andrographolide, một chất bảo vệ tế bào khỏi virus và giảm sự nhân lên của virus. Theo Bộ Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới của Thái Lan, bệnh nhân COVID-19 nên uống 180 mg andrographolide mỗi ngày, hoặc 60 mg trong mỗi bữa ăn.
Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập một ủy ban nghiên cứu việc sử dụng chiết xuất từ cây Fah Talai Jone để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Ủy ban này, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đứng đầu, sẽ điều phối các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của chiết xuất từ loài cây trên trên bệnh nhân COVID-19, cũng như soạn thảo một kế hoạch chiến lược để quảng bá y học cổ truyền Thái Lan nói chung.