Theo đó, Đức sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả mọi người đến từ các nước kể trên, ngoài các đối tượng là công dân và người lưu trú dài hạn tại Đức. Việc điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 7/7.
Theo kế hoạch điều chỉnh, mọi đối tượng từ những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao được phép nhập cảnh Đức nếu đảm bảo các yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tham gia cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly có thể giảm xuống còn 5 ngày nếu kết quả xét nghiệm sau đó tiếp tục âm tính với virus này.
Chỉ có các đối tượng là công dân và người cư trú tại Đức từ các nước nằm trong danh sách xuất hiện biến thể SARS-CoV-2, được phép trở về nước nếu đảm bảo cách ly 2 tuần bất kể đã tiêm chủng đẩy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện danh sách các nước xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 của Đức có Nam Phi và Brazil.
Việc Đức đưa ra phân loại nói trên nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các biến thể mới của SARS-CoV-2 tại nước này. Tuy nhiên, trong thông báo hồi tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang chiếm số trong các ca mắc COVID-19 tại Đức. Ông nhấn mạnh kết quả các nghiên cứu đều cho thấy các loại vaccine hiện có đều hiệu quả trong phòng, chống COVID-19. Đức sẽ theo dõi và đánh giá tình hình dịch bệnh cụ thể trong vài ngày tới.
RKI ngày 5/7 thông báo Đức ghi nhận 212 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó và trong 7 ngày qua, tỷ lệ ca nhiễm mới tại quốc gia châu Âu này là 5/100.000 người.
Cùng ngày, Chile thông báo nước này sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Santiago từ ngày 8/7 căn cứ trên sự chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại đây. Theo đó, 28 thành phố và thị trấn của Chile sẽ triển khai thực hiện quy định giãn cách xã hội chỉ vào cuối tuần.
Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng các xét nghiệm ở khu vực thủ đô đã giảm còn 3,7%, trong khi số ca nhiễm mới liên tục giảm.
Bộ Y tế Chile ngày 5/7 thông báo nước này ghi nhận 2.852 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 1.572.608 ca nhiễm, bao gồm 33.249 ca tử vong.