Trả lời phỏng vấn tuần báo "Tấm gương", ông Steinmeier khẳng định: "Nếu không có cách nào khác, mọi việc sẽ được giải quyết thông qua những kênh pháp lý phù hợp theo đúng luật pháp châu Âu". Ông Steinmeier đã nêu cụ thể trường hợp Slovakia và Hungary, hai quốc gia có thể đối mặt với những hành động pháp lý riêng do phản đối hệ thống hạn ngạch phân bổ 160.000 người di cư trong toàn khối.
Người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Steinmeier, tình đoàn kết châu Âu không phải là "con đường một chiều", nhấn mạnh những quốc gia từ chối tiếp nhận người tị nạn phải hiểu những gì đang đe dọa họ. Khu vực miễn thị thực Schengen được biết đến như một trong những thành tựu quan trọng nhất của châu Âu và Ủy ban châu Âu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng việc tái kiểm soát các đường biên giới giữa các nước thành viên EU sẽ đe dọa đến tương lai của khu vực này.
Trước đó, ngày 3/12, Hungary đã đệ đơn kiện EU liên quan tới hạn ngạch phân bổ 160.000 người tị nạn giữa các nước thành viên, một ngày sau khi Slovakia cũng đệ đơn kiện liên minh này lên Tòa án Công lý châu Âu ở Luxembourg liên quan tới hệ thống hạn ngạch mang tính bắt buộc này.
Tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí ấn định hạn chót là ngày 30/6/2016 phải thông qua việc thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của khối nhằm đối phó với dòng người từ ngoài liên minh. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sau một loạt hội nghị thượng đỉnh thảo luận về vấn đề người di cư trong năm nay, châu Âu thừa nhận rằng quá chậm trễ trong việc tiến hành một chiến lược chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai.