Ngày 22/10, Đức đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với những khu trượt tuyết nổi tiếng tại một số nước châu Âu nhằm khống chế dịch bệnh sau khi Đức lần đầu tiên công bố hơn 10.000 ca mắc mới trong một ngày. Cụ thể, Chính phủ Đức ban hành cảnh báo đi lại đối với những người đến Thụy Sĩ, Ireland, đa số khu vực của Áo, một số vùng của Italy, trong đó có khu trượt tuyết nổi tiếng South Tyrol.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10. Theo đó, những người trở về Đức từ những vùng có nguy cơ cao phải được cách ly trong 10 ngày và sẽ được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ ngày thứ 5 trở đi. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, họ có thể rời khu cách ly. Đức đưa ra cảnh báo trên sau khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt. Trong ngày 22/10, Đức ghi nhận thêm 11.287 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc lên 392.049, trong đó có 9.905 ca không qua khỏi.
Để ngăn làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, chính quyền Bulgaria cùng ngày ban hành quy định bắt buộc mọi người đeo khẩu trang tại những nơi đông người ngoài trời như trên các tuyến phố, khu chợ, nhà ga... trừ trường hợp có thể đảm bảo giãn cách 1,5 mét. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng kêu gọi sinh viên năm cuối các trường y hỗ trợ ngành y tế hiện đang quá tải vì đại dịch COVID-19.
Bộ Y tế Bulgaria ngày 22/10 thông báo ghi nhận thêm 1.472 ca mắc COVID-19 và 29 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay tại Bulgaria. Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Balkan này lần lượt là 33.335 người và 1.048 người.
Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp mới để phòng dịch COVID-19 nếu đến ngày 28/10 tới, tình hình dịch bệnh chưa ổn định. Các số liệu mới được công bố cho thấy Thụy Sĩ ghi nhận thêm 5.230 ca mắc trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca mắc tại quốc gia 8,5 triệu dân này lên 96.731 ca với 1.886 ca tử vong.
Tương tự, Bộ Y tế Tây Ban cho biết hiện nước này chưa khống chế được dịch COVID-19, do đó cần áp dụng những biện pháp quyết liệt để chặn đứng đại dịch. Hiện đại diện chính phủ và các chính quyền địa phương đang thảo luận phương án siết chặt biện pháp phòng dịch. Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt 1 triệu người. Tính đến ngày 22/10, quốc gia 47 triệu dân này công bố 1.046.641 ca mắc, trong đó có 34.366 ca tử vong.
Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan công bố số liệu cho thấy nước này ghi nhận thêm 9.271 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại nước này từ trước đến nay. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hà Lan đã tăng lên 253.134 ca, trong đó có 6.873 ca tử vong.
Cũng trong ngày 22/10, Bộ Y tế Ba Lan công bố thêm 12.107 ca mắc và 168 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, chỉ một ngày sau khi công bố số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy với 10.040 ca.
Tính đến ngày 22/10, quốc gia với 38 triệu dân này đã có 214.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.019 ca tử vong. Dự kiến cùng ngày, Chính phủ Ba Lan sẽ công bố thêm các biện pháp hạn chế để phòng COVID-19. Một ngày trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông muốn mở rộng các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại "vùng đỏ" COVID-19 ra phạm vi toàn quốc từ ngày 24/10 tới, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng quá cao.
Từ cuối tuần trước, hơn 50% diện tích lãnh thổ Ba Lan bị xếp vào "vùng đỏ" COVID-19, trong đó có hầu hết các thành phố lớn và khu vực lân cận. Tất cả các trường trung học tại "vùng đỏ" sẽ phải đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Các câu lạc bộ thể dục-thể thao và bể bơi tạm ngừng hoạt động. Các nhà hàng phải đóng cửa lúc 21h hằng ngày, cấm tổ chức tiệc cưới, đồng thời giới hạn số người có mặt cùng lúc tại một cửa hàng hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như tham dự các nghi lễ tôn giáo.