Phát biểu tại thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso khi bắt đầu chuyến thăm 3 ngày ở khu vực, Thủ tướng Merkel cho biết sẽ viện trợ 20 triệu euro cho Burkina Faso và 35 triệu euro cho Niger nhằm phục vụ các dự án hỗ trợ phát triển, trang bị và huấn luyện cho lực lượng cảnh sát. Theo nhà lãnh đạo Đức, tổng số tiền mà Berlin viện trợ cho 5 nước vùng Sahel (gồm Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania) lên tới 60 triệu euro. Trong số các nước khu vực, Burkina Faso là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người chưa đầy 1.000 USD.
Cũng trong thời gian ở thăm Burkina Faso, Thủ tướng Merkel đã tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo nhóm G5 Sahel, vốn đang hợp tác chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở vùng rìa phía Nam sa mạc Sahara. Theo bà Merkel, châu Âu chia sẻ trách nhiệm với nhóm G5 Sahel trong việc giải quyết mối đe dọa này. Đây không chỉ là trách nhiệm của 5 quốc gia Tây Phi mà còn là trách nhiệm liên quan đến châu Âu. Nếu bất ổn tại đây kéo dài triền miên, các khu vực khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Merkel cũng cho biết đã thảo luận với Tổng thống Burkina Faso, Roch Marc Christian Kabore, về tình hình an ninh đang xấu đi, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với Ouagadougou, đặc biệt là vấn đề an ninh. Thủ tướng Đức nhấn mạnh điều này là cần thiết bởi nhiều khu vực ở quốc gia này vẫn còn tình trạng trẻ em không thể đến trường, trong khi nhiều người phải sống trong cảnh mất an ninh. Về phần mình, Tổng thống Kabore cho biết khoản tiền viện trợ của Đức sẽ giúp Burkina Faso cải thiện tình hình an ninh, đối phó với tình trạng đóng cửa trường học do các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.
Burkina Faso đang phải phải hứng chịu các vụ tấn công đẫm máu ngày một gia tăng do các nhóm cực đoan tiến hành, trong đó có nhóm Ansarul Islam, tổ chức ủng hộ Hồi giáo (GSIM), tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở sa mạc Sahara. Các nhóm cực đoan này bắt đầu chiến dịch tấn công vào năm 2015, khiến ít nhất 350 người thiệt mạng, khoảng 4,3 triệu người phải sơ tán do xung đột ngày một tồi tệ trên toàn khu vực Sahel, trong đó có tới 1 triệu người riêng trong năm 2018. Pháp đã triển khai khoảng 4.500 binh sĩ ở Mali, Burkina Faso, Niger và Chad, trong sứ mệnh mang tên Barkhane, nhằm giúp các lực lượng khu vực truy quét các nhóm cực đoan.
Dự kiến, trong chuyến công du 3 ngày tới Tây Phi, sau khi tới Burkina Faso, Thủ tướng Merkel cũng sẽ thăm Mali và Niger. Bên cạnh cuộc gặp lãnh đạo các nước tới thăm, Thủ tướng Merkel cũng sẽ tới thăm binh sĩ Đức tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali, thảo luận với đại diện các tổ chức xã hội và gặp gỡ sinh viên. Mục đích chuyến thăm là chuyển tải thông điệp hỗ trợ của Chính phủ Đức tới các nước trong khu vực.
Nhóm G5 Sahel là sáng kiến của 5 nước khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong các lĩnh vực kinh tế và phát triển, cuộc chiến chống khủng bố và buôn người. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2017-2020, Đức sẽ hỗ trợ khu vực tổng cộng 1,7 tỷ euro thông qua hợp tác phát triển, ổn định và khôi phục đất nước sau xung đột, huấn luyến lực lượng vũ trang và hợp tác về cảnh sát.