Trước đó, một ứng cử viên thay thế Thủ tướng Angela Merkel, lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết một trong các lựa chọn có thể là giảm lượng khí đốt sẽ được chuyển qua hệ thống đường ống dưới biển Baltic từ Nga đến châu Âu.
Về phần mình, một ứng cử viên khác tranh chức lãnh đạo CDU, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho rằng cần thiết lập các giới hạn mới. Quan chức này bình luận: "Cần cho Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga biết rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không phải là hoàn toàn vô điều kiện và không có chuyện dự án này sẽ được tiếp tục cho dù ông ấy làm gì và mọi chuyện leo thang đến mức nào".
Trong khi đó, Mỹ - nước đang muốn xuất khẩu khí đốt cho châu Âu - cùng với Ukraine và một số nước Đông Âu cho rằng đường ống trên sẽ không có lợi cho Ukraine và khiến Đức phụ thuộc vào Nga trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên, đáp lại các gợi ý trên, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá 11 tỷ USD do công ty Gazprom của Nga đứng đầu, là một dự án thương mại và sẽ được tiếp tục thực hiện ngay cả khi các công ty Đức rút lui. Ông lập luận rằng rút sự ủng hộ chính trị sẽ hủy hoại khả năng Berlin gây sức ép lên một số nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine. Ông nói: "Đường ống trên sẽ tiếp tục được xây dựng, nhưng sẽ không có ai ủng hộ việc thay thế hệ thống vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Chính vì vậy, chúng tôi coi dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cam kết chính trị".
Trong cuộc gặp với ông Putin vừa qua, bà Merkel đã kêu gọi Nga trả tự do cho các thủy thủ Ukraine và cho phép các tàu của họ qua biển Azov, song bà không ủng hộ tăng cường trừng phạt Moskva.