Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc hai trước lễ khai trương tại vịnh Portovaya, tây bắc nước Nga ngày 8/10/2012. Ảnh: THX-TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, những nước phản đối "Dòng chảy phương Bắc 2" (gồm CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Ba Lan, Slovakia, Romania, và Litva) cho rằng dự án này có thể gây ra "những hậu quả bất ổn địa chính trị tiềm tàng", đồng thời "có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với an ninh năng lượng tại khu vực Trung và Đông Âu". Theo những nước này, việc mở rộng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" sẽ tác động mạnh tới sự phát triển của thị trường khí đốt và lộ trình trung chuyển khí đốt trong khu vực, đặc biệt là qua Ukraine.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tháng 10/2015, dự án mở rộng "Dòng chảy phương Bắc" đã dẫn tới những tranh luận gay gắt sau khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi cáo buộc Đức vi phạm các lệnh trừng phạt Nga do Berlin ủng hộ dự án này. Hội nghị cũng thảo luận bức thư trước đó gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong đó lãnh đạo Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia, cho rằng việc thực hiện dự án càng làm tăng sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng Nga.
Nhánh thứ 2 tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc", đi ngầm dưới biển Baltic, nếu đi vào hoạt động dự kiến sẽ tăng gấp đôi khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức, lên 110 tỷ m3/năm. Các tập đoàn tham gia dự án này ngoài Gazprom của Nga còn có E.ON và Wintershall của Đức, Shell của Anh-Hà Lan, OMV của Áo và ENGIE của Pháp.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 17-18/3 tại Brussels (Bỉ), ngoài vấn đề di cư cũng thảo luận về an ninh năng lượng.