Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, một nhân viên có trách nhiệm theo dõi các dữ liệu kiểm soát không lưu của hệ thống viễn thông trên máy bay cho biết sau khi cất cánh, chuyến bay 302 đã tăng tốc bất thường và sau đó phi công lái máy bay đã báo cáo về các vấn đề và yêu cầu cho phép nhanh chóng nâng độ cao.
Theo nguồn tin giấu tên trên, một "giọng nói hoảng hốt" trong buồng lái của chiếc máy bay Boeing 737 MAX đã yêu cầu được nâng độ cao lên hơn 4.200 mét so với mực nước biển, tức là khoảng gần 2.000 mét so với mặt đất, trước khi khẩn cấp yêu cầu quay trở lại. Máy bay này sau đó đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang ở độ cao gần 3.300 mét.
Nguồn tin cho biết phi công lái chiếc máy bay xấu số đã gặp trục trặc về kiểm soát máy bay và đó là lý do khiến ông muốn nâng độ cao để tránh bay vào khu vực địa hình đồi núi. Addis Ababa được bao quanh bởi các ngọn đồi và phía Bắc là dãy núi Entoto.
Trong khi đó, tại Paris (Pháp), Cơ quan Điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) đã tiếp cận thành công dữ liệu của thiết bị ghi âm buồng lái máy bay.
Trên trang mạng Twitter, BEA cho biết các dữ liệu trên đã được chuyển cho các nhà điều tra Ethiopia. BEA cũng đã công bố một bức ảnh cho thấy thiết bị thu âm buồng lái vẫn còn nguyên vẹn và chỉ bị sứt mẻ không đáng kể do tác động của cú rơi máy bay xuống đất. Trong khi đó, việc thu thập dữ liệu từ thiết bị ghi âm chuyến bay đang tiếp tục diễn ra.
Trước đó, các chuyên gia đã phát hiện những điểm tương đương giữa vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines và của Lion Air xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái khiến tất cả 189 người trên máy bay thiệt mạng. Cả hai máy bay này đều bị rơi trong vòng vài phút sau khi khi cất cánh và phi công thông báo máy bay gặp trục trặc.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Addis Ababa, Bộ trưởng Giao thông Ethiopia, Dagmawit Moges, cho biết cơ quan chức năng nước này đang chờ đợi kết quả và tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Theo ông, cuộc điều tra này cần thời gian để có thể đưa ra những kết luận cụ thể.
Trong khi đó, hãng hàng không Ethiopian Airlines cho biết việc lấy mẫu DNA từ gia đình các nạn nhân để hỗ trợ công tác xác định danh tính có thể mất tới 6 tháng. Việc xác định danh tính nạn nhân sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn khoa học quốc tế và các tổ chức được quốc tế công nhận như Tổ chức Hình sự quốc tế (Interpol) sẽ tham gia tiến trình này.