"Các hãng hàng không, phi công đã được thông báo. Các hãng cũng đều đồng ý với yêu cầu này. Sự an toàn của công dân Mỹ và mọi người là quan tâm hàng đầu của chúng tôi", Tổng thống Trump tuyên bố sau những ngày nước Mỹ "lừng khừng" chưa hành động bất chấp những mối lo ngại về dòng máy bay mới của Boeing.
Theo CNN, giá cổ phiếu Boeing sau đó đã tăng trở lại, nhưng tính từ sau vụ tai nạn tại Ethiopia thì cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay này vẫn giảm giá hơn 10%, làm “bốc hơi” hơn 25 tỷ USD giá trị thị trường. Việc các hãng hàng không trên thế giới phải dừng bay đối với phi đội 737 Max được cho là sẽ còn khiến Boeing thiệt hại thêm nhiều tỉ USD.
Vụ máy bay của hãng hàng không Ethiopian rơi theo một kịch bản gần giống với vụ máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air (Indonesia) lao xuống biển hồi tháng 10 năm ngoái đã dấy lên những nghi ngờ về khả năng dòng máy bay mới này có trục trặc kỹ thuật.
Hiện nay, các nhà điều tra vẫn đang xem xét nguyên nhân của cả hai vụ tai nạn. Giám đốc điều hành của hãng hàng không Ethiopian cho biết các phi công của ông cũng đang báo cáo các vấn đề về điều khiển máy bay trước khi xảy ra vụ tai nạn. Trước đó, một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy các phi công trong vụ tai nạn Lion Air đã phải vật lộn để giành quyền kiểm soát máy bay sau khi mũi phi cơ bị chúi xuống đất bởi một tính năng an toàn tự động.
Trong bốn ngày qua, các nhà chức trách hàng không trên khắp thế giới đã liên tiếp ra lệnh cho toàn bộ phi đội 737 Max nằm đất. Mỹ là quốc gia cuối cùng cho phép mẫu máy bay này được hoạt động.
Quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi có thông tin mới về vụ tai nạn ở Ethiopia. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xác nhận họ đã ra lệnh tạm thời không cho toàn bộ máy bay Boeing 737 Max cất cánh sau khi thu thập được bằng chứng mới trong vụ tai nạn. Trước đó, bất chấp việc hàng loạt nước cấm Boeing 737 Max bay vào không phận, Mỹ vẫn khẳng định “chưa có đủ lý do" để làm điều này.
Về phần mình, nhà sản xuất Boeing cho biết họ ủng hộ quyết định của FAA và chính quyền Tổng thống Trump. Boeing cũng đề nghị FAA tạm thời đình chỉ hoạt động của tất cả máy bay 737 Max trên toàn cầu, trong khi chỉ vài ngày trước, cả Boeing và FAA vẫn nói không có kế hoạch dừng hoạt động 737 Max. Trong một tuyên bố, Boeing cho biết họ vẫn tin tưởng vào sự an toàn của các máy bay, nhưng khuyến nghị nên dừng hoạt động một cách "hết sức thận trọng và để trấn an dư luận về sự an toàn của máy bay".
"Chúng tôi đang hỗ trợ bước đi chủ động này. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để hiểu nguyên nhân của các vụ tai nạn khi hợp tác với các nhà điều tra, triển khai các cải tiến an toàn và giúp đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa", CEO Dennis Muilenburg nói.
CEO Boeing một lần nữa bày tỏ sự cảm thông của công ty với gia đình các nạn nhân vụ tai nạn tại Ethiopia và khẳng định công ty không có ưu tiên nào lớn hơn sự an toàn của máy bay.
Trong khi đó, cổ phiếu của ba hãng hàng không Mỹ có sử dụng dòng 737 Max là American Airlines, Southwest Airlines và United Airlines - cũng sụt giảm nhanh chóng dù sau đó có hồi phục trở lại. Rất có khả năng Boeing sẽ bồi thường cho ba hãng hàng không này vì thiệt hại doanh thu do ngừng khai thác phi đội 737 Max. Ba hãng của Mỹ hiện khai thác 67 chiếc 737 Max. Các hãng hàng không đều cho biết họ sẽ tăng cường các phi đội khác nhằm phục vụ hành khách bị ảnh hưởng bởi yêu cầu cấm bay. Việc ngừng bay dòng 737 Max cũng không gây ra xáo trộn lớn bởi dòng phi cơ này chỉ chiếm một phần nhỏ trong đội tàu bay của các hãng này và ước tính chiếm không đầy 3% công suất của mỗi hãng hàng không.
Boeing có lịch sử chấp nhận bồi thường cho các hãng hàng không nếu máy bay mà các hãng này sở hữu phải nằm đất vì lý do an toàn. "Người khổng lồ" hàng không Mỹ này từng làm như vậy sau khi ba tháng cấm bay đối với máy bay 787 Dreamliner vào năm 2013.
Hôm 13/3, CEO của hãng hàng không giá rẻ châu Âu là Norwegian Air cho biết họ sẽ gửi hóa đơn cho Boeing để đòi khoản đền bù doanh thu do phải ngừng bay 18 chiếc Max 737.