Điều này hứa hẹn sẽ giúp ích cho công tác phục dựng lại những phần kiến trúc phức tạp của công trình hơn 850 tuổi này bị thiêu rụi trong đám cháy hôm 15/4.
Vào tuần trước khi vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra, một nhóm sinh viên đã nhóm họp tại Đại học Vassar để lập một dự án đầy tham vọng, đó là lên danh sách khoảng 1.000 tỷ byte dữ liệu mô hình 3D về kiệt tác nổi tiếng mang phong cách kiến trúc Gothic này.
Kho dữ liệu khổng lồ trên là thành quả lao động của ông Andrew Tallon, Giáo sư nghệ thuật người Mỹ vốn yêu thích nước Pháp, đam mê tìm hiểu những nhà thờ có lối kiến trúc Gothic cũng như kiến trúc thời Trung Cổ.
Nhờ được một nguồn quỹ tài trợ, Giáo sư Tallon đã sử dụng một thiết bị laser để đo chính xác kích thước bên trong và bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris vào những năm 2011 và 2012. Ông đã đặt thiết bị này tại khoảng 50 điểm để đo khoảng cách giữa mỗi bức tường và cột trụ, hốc tường, bức tượng hoặc những cấu trúc khác, đồng thời lưu lại toàn bộ những yếu tố chưa hoàn hảo bên trong công trình hàng trăm năm tuổi. Kỹ thuật của vị giáo sư này không có gì mới mẻ, tuy nhiên cách ứng dụng các công cụ của ông được đánh giá là mang tính sáng tạo.
Kết quả là những hình ảnh được tạo bằng máy tính dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sát đến từng chi tiết nhỏ nhất, trong đó có cả những khiếm khuyết, với độ chính xác trong phạm vi khoảng 5 mm. Năm 2015, ông Tallon từng cho biết những hình ảnh này cũng bộc lộ một số khiếm khuyết của công trình, chẳng hạn như phần phía Tây của nhà thờ “hoàn toàn lộn xộn” khi các cột trụ bên trong không được căn thẳng hàng.
Những hình ảnh trên đã được in thành một cuốn sách vào năm 2013 và được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 2014. Dữ liệu gốc hiện được lưu trữ trên ổ cứng tại Đại học Vassar và các bản sao được lưu tại Đại học Columbia, nơi các giáo sư cộng tác với ông Tallon trong khuôn khổ dự án “Mapping Gothic". Tuy nhiên, kích thước từ những bức ảnh này vẫn chưa được khai thác trong thực tế.
Vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài tới 15 giờ đã làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của di tích lịch sử này. Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì. Văn phòng công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng tai nạn.
Trong bài phát biểu với cả nước được phát sóng trên truyền hình ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm.
Giới chuyên gia cho rằng Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn có thể được phục dựng mà không cần đến dữ liệu mô hình 3D nói trên. Tuy nhiên, công nghệ tạo hình bằng kỹ thuật laser đem lại độ chính xác cao cho những bức ảnh và bản vẽ của các kiến trúc sư tại Pháp. Dữ liệu này đặc biệt hữu ích khi phục dựng lại những phần kiến trúc phức tạp như phần mái vòm và ngọn tháp, vốn khó khăn hơn nếu đo bằng các dụng cụ thông thường. Việc tạo dựng mô hình 3D như vậy sẽ giúp các thợ chế tác phục dựng lại y hệt phần mái vòm đã bị sập bên trong.
Giáo sư Tallon đã qua đời vào tháng 11/2018. Ngoài dữ liệu về Nhà thờ Đức Bà Paris, ông để lại kho dữ liệu dạng 3D khổng lồ về một số nhà thờ tại Pháp như Beauvais, Chartres, Vương cung thánh đường Thánh Denis.
Đánh giá về thiệt hại do vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, Giám đốc phụ trách Di sản của nhà thờ này Laurent Prades ngày 17/4 cho biết chỉ một phần nhỏ kiến trúc bên trong công trình tôn giáo vĩ đại này bị "giặc lửa" tàn phá và có thể gọi đây là một “phép màu”.
Ông nêu rõ án thờ được dựng năm 1989 bị hư hại do ngọn tháp nhà thờ đổ sụp xuống trong đám cháy. Trong khi đó, nhiều bức bích họa, bức tượng, nhà nguyện, đàn ống lớn và trụ cột được xây dựng từ thế kỷ 18 đều không bị ảnh hưởng. Trong số những phần kiến trúc nổi bật nhất bên trong công trình, 3 cửa sổ hoa hồng lớn làm bằng tranh kính may mắn không bị phá hủy, mặc dù những cửa sổ này có thể bị hư hại bởi hơi nóng và sẽ được một chuyên gia đánh giá sau đó.
Ông Prades khẳng định: “Chúng ta vẫn có thể cứu vãn toàn bộ những phần còn lại của nhà thờ”.