Theo tờ Straits Times, Thái Lan đã có khởi đầu một năm đầy lạc quan khi Bộ Tài chính dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nước này đạt khoảng 4%. Từ đầu năm nay, Thái Lan đã đón trên 700.000 lượt khách du lịch nước ngoài, nhiều hơn mức 428.000 khách của cả năm ngoái. Nhà chức trách cho biết lượng khách du lịch tăng lên dự kiến sẽ mang lại doanh thu 1,2 nghìn tỷ baht cho quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, lạm phát gia tăng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan xuống còn 3,5%. Nhà phân tích rủi ro Jay Harriman, Giám đốc cấp cao của Công ty tư vấn chính sách công Bower Group Châu Á, nhận định: “Vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hy vọng phục hồi sau COVID-19 đã nhen nhóm. Nhưng hiện tại, chúng ta đã đi hết gần nửa năm và các điều kiện kinh tế toàn cầu đang trở nên vô cùng bất lợi”.
Giống như nhiều quốc gia khác, quá trình phục hồi của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng không mong đợi từ cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu từ tháng 2. Cuộc khủng hoảng này cản trở tăng trưởng kinh tế, đẩy giá năng lượng và nguyên liệu thô - như lúa mì và thép - lên mức cao. Chi phí sản xuất và vận tải toàn cầu cũng tăng vọt.
“Cuộc xung đột dường như còn lâu mới kết thúc và chúng tôi dự đoán rằng giá cả hàng hóa sẽ vẫn ở mức cao cho đến năm sau”, Tiến sĩ Kirida Bhaopichitr, Giám đốc dịch vụ tình báo kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), nói và cho rằng điều này chắc chắn gây áp lực lên sức mua của người Thái.
Từ dầu ăn đến các mặt hàng chủ lực của quốc gia, như mì ăn liền Mama, tình trạng tăng giá sắp xảy ra, theo một số nhà sản xuất. Tờ The Nation dẫn một nguồn tin cho biết Giám đốc Thai Foods, công ty sản xuất mì Mama, nói với các đối tác và nhà bán lẻ của họ rằng chi phí vận chuyển, bột mì và dầu cọ leo thang đã khiến chi phí sản xuất tăng theo. Do đó, giá bán buôn cho một thùng mì 30 gói sẽ tăng từ 143 baht lên 145 baht. Tình trạng này cũng sẽ làm tăng giá bán lẻ của 1 gói mì từ 6 baht lên 6,5 -7 baht.
Giá lương thực gia tăng sẽ gây tác động nặng nề nhất đến các gia đình có thu nhập thấp. Tiến sĩ Kirida cho biết thêm rằng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hộ gia đình này chi gần một nửa thu nhập để mua thực phẩm.
Để hỗ trợ người dân, Chính phủ Thái Lan đã triển khai một số gói kích thích để thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng thời, giới chức cũng đưa ra các biện pháp cứu trợ có mục tiêu cho các nhóm thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, lạm phát của Thái Lan vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái, tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm là 4,71% vào tháng 3.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cũng đã tăng 4,65% so với năm trước, phần lớn là do giá thực phẩm, phương tiện giao thông và giá năng lượng tăng cao hơn. Tuy nhiên, vào tuần trước, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết họ hy vọng lạm phát toàn phần sẽ sớm đạt 5%.
Giá năng lượng và vận tải trong nước đã tăng lên sau khi chính phủ nâng mức trần đối với giá dầu diesel ở mức 30 baht/lít, đã được áp dụng từ tháng 12, nhằm ngăn giá dầu tăng. Tuy nhiên, biện pháp này đã hết hiệu lực vào tháng trước. Mức giá trần mới đang duy trì ở mức 35 baht/lít. Mức giá hiện tại là 32 baht/lít và sẽ được nâng dần trong những tháng tới.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Thái Lan Apichart Pairoonrueng cho biết việc dỡ bỏ hạn chế có thể dẫn đến tăng phí vận tải - điều mà các công ty vận tải đã nỗ lực kìm hãm kể từ tháng 10. Ông nói với truyền thông địa phương: “Hiệp hội sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để thảo luận về chi phí giao thông phù hợp và khung thời gian phù hợp để thực hiện việc tăng giá”.
Ngoài ra, việc các liên đoàn lao động thúc đẩy mức lương tối thiểu cao hơn trên khắp đất nước gần đây cũng đi vào bế tắc. Chính quyền và các doanh nghiệp phản đối mức lương đề xuất 492 baht/ngày, tăng từ mức dao động 313 baht - 336 baht.
Theo Tiến sĩ Kirida, dù mức lương cao hơn sẽ có lợi cho người lao động và giúp ngăn chi phí sinh hoạt tăng cao, bà cảnh báo mức tăng gần 50% mà các công đoàn đang yêu cầu có thể dẫn đến lạm phát xoắn ốc. Bà giải thích không chỉ chi phí hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng khi lương tối thiểu tăng, mà tiền lương của những người lao động không dựa trên mức lương tối thiểu cũng sẽ phải tăng.
Trong khi đó, ông Harriman cho biết những lo ngại về lao động và chi phí năng lượng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Thái Lan.
Nhưng nhìn chung, nhà kinh tế Nonarit Bisonyabut cho biết có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Thái Lan đang trên đà phục hồi. Dù lưu ý rằng GDP không ở mức gần như trước đại dịch, nhưng con số này đã tăng 1,6% vào năm 2021 nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh, sau khi giảm 6,1% vào năm 2020.
Mặc dù biến động này còn tương đối thấp, nhưng Tiến sĩ Nonarit, nhà nghiên cứu của TDRI, cho biết ông hy vọng nền kinh tế sẽ của Thái Lan sẽ “tiếp tục đi lên, nhưng khá chậm” và nó có thể trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023.