Dự đoán danh sách các nước “nối gót” Anh rời EU

“Virus Brexit (rời khỏi EU)” có thể lây lan và theo tờ Washington Post (Mỹ), đối tượng bị “truyền nhiễm” có thể là Thụy Điển, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary và Pháp.

Những người ủng hộ Anh ở lại EU thẫn thờ khi kết quả kiểm phiếu cập nhật ban đầu được công bố tại London. Ảnh: Reuters

Việc cử tri Anh quyết định dứt áo ra đi sau 43 năm chung sống trong Liên minh châu Âu (EU) có thể truyền cảm hứng thực hiện bước đi tương tự cho các nước EU khác.

 

Theo Washington Post,  một trong số đó có thể là Thụy Điển, đất nước luôn thấy mình "tương đương như Scandinavia của Anh". Năm 2003, người dân Thụy Điển đã từ chối sử dụng đồng tiền chung euro trong một cuộc trưng cầu dân ý. Bên cạnh đó, mức độ thống nhất về các vấn đề chính trị trong EU của Thụy Điển và Anh lên tới 90%. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để dự đoán phe cấp tiến đang lên ở Thụy Điển có thể sẽ nêu ra câu hỏi về việc rời khỏi EU.

 

Đan Mạch cũng hiện diện trong "vùng nguy hiểm". Nước này từng hai lần bỏ phiếu chống đối gia nhập đồng euro, một lần trong cuộc trưng cầu dân ý cho Hiệp ước Maastricht năm 1992 và một lần khác khi họ được yêu cầu cân nhắc lại vấn đề này năm 2000. Năm ngoái, người dân Đan Mạch đã tiến hành trưng cầu và từ chối dành nhiều quyền hơn cho Brussels. Cũng giống như ở Anh, người  Đan Mạch e ngại làn sóng dân tị nạn có thể gây hại cho sự thịnh vượng của đất nước nhỏ bé của họ.

 

Đối với Hy Lạp, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và việc Brexit được hiện thực hóa có thể là mối đe dọa cho vị trí thành viên của nước này trong EU. Nỗi lo sợ này đã được nêu ra trên tờ Kathimerini của Hy Lạp. Theo đó, vấn đề cốt tử của Athens nằm ở chỗ Anh ra khỏi EU sẽ làm yếu đi nỗ lực hợp tác trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) để thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp vốn cần có thêm nhiều công cụ cũng như mức độ can dự hơn hiện nay.

 

Ở Hà Lan, tờ Algemeen Dagblad đăng bài “Đừng rời xa tôi theo cách ấy” khi nói về Brexit, nhưng nó có thể không phản ánh toàn bộ cách nghĩ của người dân “Xứ sở hoa Tulip” về EU. Geert Wilders, nhân vật đứng đầu đảng cánh hữu dân túy, ủng hộ Brexit và hy vọng sẽ có một cuộc trưng cầu ý kiến tương tự được tổ chức ở Hà Lan. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với đài BBC (Anh), ông Wilders nhấn mạnh: “Nếu chúng tôi (Hà Lan) muốn tồn tại như một quốc gia thì cần đặt dấu chấm hết cho vấn đề dân nhập cư và Hồi giáo”.

 

Còn tại Hungary, người đứng đầu chính phủ nước này, ông Viktor Orban, từ lâu đã được biết đến như một nhân vật không yêu mến EU. Thủ tướng Orban có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu được dự báo sẽ làm rạn nứt sự gắn kết của EU. Cuộc trưng cầu dân ý này có thể không phải phát đi tín hiệu rõ ràng về việc “ở lại” hay “rời khỏi” EU, nhưng sẽ gián tiếp đặt câu hỏi về quyền hạn của EU.  

 

Pháp là một trong vài nước có tỉ lệ hoài nghi về EU lớn nhất châu Âu. Điều tra cho thấy 61% người dân Pháp đã thể hiện thái độ tiêu cực về EU so với 37% ở Hungary. Cùng với Đức, Pháp là động lực của châu Âu, nhưng đất nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ nền kinh tế yếu kém tới nguy cơ chủ nghĩa khủng bố cao. Căn nguyên của vài vấn đề được đổ lên đầu EU hay những điều kiện mà thành viên EU nêu ra.

Hoàng Hà
Phần Lan đòi thu thập chữ ký trưng cầu dân ý rời EU
Phần Lan đòi thu thập chữ ký trưng cầu dân ý rời EU

Phần Lan đã bắt đầu thu thập chữ ký cho đơn đề nghị yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc Helsinki rời Liên minh châu Âu (EU) và hiện có khoảng 10.000 người đã ký vào văn bản này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN