Để bù đắp cho tình trạng sụt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, các nước châu Âu, trong đó có Anh, đã nhập khẩu 121 triệu tấn LNG vào năm ngoái, tăng 60% so với năm 2021.
Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những năm tới, biến LNG - chủ yếu được sản xuất tại Mỹ - trở thành nguồn nhiên liệu chính của Liên minh châu Âu (EU) và làm thay đổi thị trường khí đốt toàn cầu. “Gã khổng lồ” năng lượng Shell dự đoán nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sẽ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2030.
Thị trường toàn cầu đang theo dõi sát sao về khả năng nhu cầu khí đốt của châu Á sẽ thay đổi như thế nào trong năm 2023 vì đây là yếu tố quan trọng để giá cả diễn biến theo. Để tránh tăng giá đột biến, Shell nhấn mạnh các nước cần thiết phải chú ý nhiều hơn đến các hợp đồng dài hạn. Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng từ bỏ hình thức mua bán theo hợp đồng dài hạn để chuyển sang thị trường giao ngay trong những năm gần đây.
Ông Ivan Timonin tại công ty tư vấn thị trường Vygon Consulting nhận xét việc kết luận rằng châu Á, cụ thể là Trung Quốc, đảm nhận vai trò cân bằng thị trường là quá sớm. Theo quan điểm của ông, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 120 triệu tấn vào năm 2030, gần gấp đôi so với mức năm 2022. Ấn Độ cũng đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong cân bằng năng lượng từ 6% lên 15% vào năm 2030 và phần lớn nhu cầu sẽ được đáp ứng bằng nhập khẩu LNG.
Quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, chẳng hạn như Pakistan và Thái Lan. Đối với xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga, chuyên gia Timonin dự đoán thị trường châu Âu sẽ cần ít nhất 40 - 45 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Trước khi EU từ bỏ khí đốt của Nga và thay thế bằng LNG, châu Á từng là điểm đến hàng đầu của dòng chảy LNG, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Giá tiêu chuẩn ở châu Á được giao dịch cao hơn giá châu Âu.
Và Mỹ chính là nhà cung cấp LNG mà châu Âu và châu Á đang tranh giành tiếp cận. Quốc gia này đã xuất khẩu 74% LNG sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều gấp đôi so với mức 34% của năm ngoái. Trong khi đó, châu Á lại là thị trường chính của LNG Mỹ vào năm 2020 và 2021.
Trong khi các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gồng gánh mức giá cao hơn ở một ngưỡng nhất định, các quốc gia đang phát triển sẽ đã phải chịu gánh hậu quả nặng từ việc giá cả tăng vọt.