Dự báo những yếu tố gây bất ổn toàn cầu năm 2025

Năm 2024 sắp kết thúc, nhưng tác động và hậu quả của những sự kiện xảy ra trong năm dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025 và xa hơn nữa.

Chú thích ảnh
Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn truyền thông khu vực đánh giá, trong bối cảnh năm 2024 vẫn bị chi phối bởi các cuộc xung đột, chính sự lựa chọn của cử tri trong một năm kỷ lục về các cuộc bầu cử quốc gia, có khả năng sẽ có tác động lớn nhất đến sự thịnh vượng toàn cầu vào năm 2025, trong đó đáng chú ý nhất là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Đối với nhiều nhà kinh tế, nguồn gốc chính của sự bất ổn là sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump và đặc biệt là vấn đề thuế quan tiềm tàng mà ông đã tuyên bố. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết áp thuế 10 - 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và thuế ít nhất 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào cuối tháng 11/2024, sau chiến thắng trước đối thủ là ứng cử viên đảng Cộng hoà Kamala Harris, ông Trump cho biết ông muốn áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico, Canada và “mức thuế bổ sung 10%, cao hơn bất kỳ mức thuế bổ sung nào” đối với Trung Quốc.

Các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều dự báo khác nhau về thiệt hại mà mức thuế mới của Mỹ sẽ gây ra cho các nền kinh tế khác, một phần tùy thuộc vào ngưỡng thuế quan áp đặt. Nhưng thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra. Khi được hỏi về khả năng áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu của ông Trump, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết: “Tôi vẫn nghĩ rằng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ không có lợi cho tăng trưởng”.

Thuế quan cao hơn có thể phản tác dụng đối với chính nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Goldman Sachs chỉ ra rằng một đòn giáng mạnh vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, ước đạt đỉnh vào năm 2026, từ mức thuế quan tiềm tàng 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu một phần là do giá tiêu dùng tăng cao, điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người Mỹ.

Tác động của mức thuế quan cao hơn của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia bị ảnh hưởng phản ứng ví dụ như tăng thuế của chính họ đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Công ty tư vấn Capital Economics trong một báo cáo mới đây cho rằng tình hình này có thể kết thúc bằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu, với kịch bản cực đoan có thể làm giảm 2 - 3% GDP toàn cầu. Dựa trên xu hướng hiện tại, mức giảm 3% đối với sản lượng của thế giới sẽ xóa sổ hầu hết tăng trưởng kinh tế”.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay cả khi ông Trump không áp dụng mức thuế quan phổ quát cao hơn, mối lo ngại rằng ông có thể gây ảnh hưởng đến ít nhất một số quốc gia hoặc ngành công nghiệp sẽ tạo áp lực lên đầu tư kinh doanh và nền kinh tế ở các đối tác thương mại của Mỹ. Đó là những gì các nhà phân tích tại Goldman Sachs và J.P. Morgan nghĩ đến.

Cả hai ngân hàng đều đã điều chỉnh hạ dự đoán của họ về tăng trưởng của châu Âu vào năm 2025 do hậu quả tiềm tàng của thuế quan và xung đột thương mại. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng tác động trực tiếp hơn ở Trung Quốc, nơi gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức tăng thuế quan mạnh mẽ, đồng thời hạ cấp dự báo năm 2025 của họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một cách khác mà thuế nhập khẩu mới của ông Trump có thể gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu là góp phần gây ra một đợt lạm phát mới ở Mỹ và những nơi khác. Giá cả ở Mỹ cũng sẽ tăng nhanh hơn nếu những gì ông Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử như ông sẽ cắt giảm thuế và siết chặt nhập cư, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và tiền lương cao hơn.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến sự thay đổi chính trị mạnh mẽ trong năm nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội bất thường vào mùa Hè, dẫn đến việc chính phủ thiểu số sụp đổ vào đầu tháng này. Tương tự như vậy, liên minh cầm quyền tại Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã tan rã vào tháng 11/2024, mở đường cho một cuộc bầu cử bất thường vào tháng 2/2025.

Nội các mới tại Paris, được công bố vào ngày 23/12, có thể sẽ phải chật vật khi quốc hội không có phe phái nào có đa số rõ ràng. Điều đó sẽ khiến môi trường chính trị bất ổn, hạn chế đầu tư kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng. Theo báo cáo của ngân hàng ING tại châu Âu, hỗn loạn chính trị sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tại Pháp vào năm tới. Mối đe dọa liên tục về việc chỉ trích bất kỳ chính phủ nào được đưa ra, việc không thể thông qua ngân sách để sắp xếp tài chính công và viễn cảnh về nhiều cuộc bầu cử hơn nữa chỉ đơn giản là thúc đẩy sự bất ổn. Sự bất ổn này sẽ kéo dài ít nhất cho đến giữa năm tới, thời điểm sớm nhất để có thể diễn ra một cuộc bầu cử quốc hội khác.

Vận mệnh của Đức trong những năm tới sẽ phụ thuộc đáng kể vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới. Một câu hỏi quan trọng là liệu chính phủ mới có vay nhiều hơn để đầu tư và thực hiện các cải cách cơ cấu để mang lại động lực tăng trưởng rất cần thiết hay không. Ngoài ra, bất kỳ mức thuế quan mới nào của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu đều có ý nghĩa rất lớn đối với Đức, xét đến ngành công nghiệp lớn của nước này và vai trò của Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức, chỉ sau Trung Quốc.

Tăng trưởng toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra ở các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn ở Trung Đông, mặc dù các nhà kinh tế hiện tại ít lo lắng hơn về hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn của các cuộc giao tranh ở đó. Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại ngân hàng Citi và là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đánh giá các cuộc xung đột hiện tại, dù lan rộng, không gây nguy hiểm trực tiếp đến (dòng chảy) dầu vì các nước lớn ở Trung Đông không muốn xảy ra xung đột khu vực.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal thuộc Bắc cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu đã giảm từ mức đỉnh đạt được ngay sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel hôm 7/10/2023 và hiện đã giảm về ngưỡng dưới 80 USD/thùng, tương đương giá ghi nhận vào tháng 6/2023. Đối với quốc gia láng giềng Syria, ngay cả trước khi nổ ra xung đột vào năm 2011, quốc gia này không chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng dầu mỏ toàn cầu và cuộc giao tranh đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, Capital Economics tin rằng những diễn biến ở Syria sẽ có rất ít tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã để lại dấu ấn rõ nét trên nền kinh tế thế giới, khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cao hơn nhiều so với mức bình thường. Ông Trump đã nói rằng ông muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột, giải pháp đó như thế nào sẽ quyết định hậu quả kinh tế của nó.

Theo hai nhà phân tích của Citi, chuyên gia Christian Schulz và Giada Giani, trong khi “một lệnh ngừng bắn có trật tự” có thể thúc đẩy niềm tin kinh doanh ở châu Âu và giảm giá năng lượng, “một sự sụp đổ hỗn loạn” có thể gây ra khi dòng người tị nạn thậm chí còn lớn hơn vào khu vực và “lan rộng xung đột với Nga”.

Viết Tuân (TTXVN)
AI - Xu hướng chủ đạo trên thế giới
AI - Xu hướng chủ đạo trên thế giới

2024 là năm mà các tổ chức trên toàn cầu thực sự bắt đầu sử dụng và thu được giá trị từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo dữ liệu mới nhất, thị trường AI toàn cầu đạt giá trị 279 tỷ USD, tăng khoảng 80 tỷ USD kể từ năm 2023, chủ yếu là do tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN