Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dòng tiền gửi hiện đang chảy vào các ngân hàng cộng đồng, vốn là những tổ chức tín dụng có tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ để phục vụ các doanh nghiệp địa phương và thường nắm giữ từ 10 tỷ USD tiền gửi trở xuống.
Jill Castilla, Chủ tịch Citizens Bank of Edmond ở bang Oklahoma, cho biết tiền gửi của người tiêu dùng và các khoản vay kinh doanh ở ngân hàng này đã tăng khoảng 2% trong 3 ngày qua. Hiện ngân hàng đang có khoảng 320 triệu USD tiền gửi với hơn 85% trong số đó có bảo hiểm.
Brad Bolton, Giám đốc điều hành của Community Spirit Bank ở Alabama, cũng cho biết dòng tiền vào hoặc tiền gửi tại ngân hàng này vẫn ổn định. Ông Bolton vừa tham dự cuộc họp thường niên của các tổ chức cho vay độc lập trong tuần qua.
Trong khi đó, lãnh đạo một số tổ chức cho vay cộng đồng cam kết sẽ không thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, chứng tỏ hoạt động của các ngân hàng nhỏ này vẫn đang diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn phải theo dõi chặt các tổ chức tài chính vừa và nhỏ để đánh giá về hiệu ứng domino tiềm ẩn từ sự sụp đổ của 3 ngân hàng trong tuần vừa rồi đối với niềm tin, khoản vay và nền kinh tế. Hiện ở Mỹ đang có khoảng 4.750 ngân hàng cộng đồng, chiếm 60% tổng số khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và nắm giữ gần 5.000 tỷ USD tiền gửi. Theo dữ liệu được tổ chức quản lý tài sản Apollo Global Management tổng hợp từ Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed), tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm ở các tổ chức cho vay nhỏ là trên 60%. Các ngân hàng cộng đồng cũng không phụ thuộc nhiều vào những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và vốn đầu tư mạo hiểm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America, nơi nắm giữ phần lớn tiền gửi của khách hàng Mỹ, cũng nhận thấy dòng tiền đổ vào tăng mạnh trong tuần này. Theo Nathan Stovall, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng của S&P Global Market Intelligence, sự gia tăng lượng tiền gửi ở cả các tổ chức cho vay địa phương lẫn các ngân hàng lớn có thể là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang đa dạng hóa nguồn tiền gửi để phân tán rủi ro.