Hai ngân hàng thoát sụp đổ, nỗi lo khủng hoảng tài chính toàn cầu giảm bớt

Những chiếc “phao cứu sinh” trị giá nhiều tỷ USD cho các ngân hàng đang gặp khó khăn ở Mỹ và châu Âu đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư ngày 17/3 và tiếp thêm sức mạnh cho các cổ phiếu đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Nỗi lo đã giảm bớt, nhưng vẫn có câu hỏi liệu thế giới đã chặn được hoàn toàn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hay chưa.

Hai ngân hàng thoát sụp đổ

Chú thích ảnh
Một chi nhánh Ngân hàng First Republic ở Millbrae, California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, các ngân hàng lớn của Mỹ đã bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào Ngân hàng First Republic ngày 16/3 để giải cứu khi bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng lớn do vụ sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ trong tuần qua.

Gói giải cứu này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse được vay một khoản khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ trị giá lên tới 54 tỷ USD để tăng cường thanh khoản, phần nào xoa dịu cơn hoảng loạn về cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Sau hai diễn biến liên quan Ngân hàng First Republic và Credit Suisse nói trên, trong phiên giao dịch sáng 17/3, chứng khoán châu Á hầu hết đều cao điểm hơn, theo sau đà phục hồi của Phố Wall đêm trước. Cổ phiếu của Ngân hàng First Republic lúc đóng cửa phiên 16/3 tăng 10% giá trị sau khi có tin tức về cuộc giải cứu. Trước đó, từ ngày 6-16/3, cổ phiếu của Ngân hàng First Republic đã giảm hơn 70%.

Bà Karen Jorritsma, Giám đốc bộ phận chứng khoán Australia tại công ty RBC Capital Market, nhận định: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn mấu chốt của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vì bảng cân đối kế toán tốt hơn nhiều so với năm 2008, các ngân hàng được quản lý tốt hơn. Nhưng mọi người lo ngại rằng nguy cơ lây lan là có thật và điều đó làm lung lay niềm tin”.

Trong khi đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn thực hiện kế hoạch tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 16/3 bất chấp những bất ổn của thị trường tài chính. ECB lập luận rằng các ngân hàng khu vực đồng euro có sức kháng cự tốt và nếu có bất cứ điều gì xảy ra, động thái tăng lãi suất cao hơn sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của họ.

Giờ đây, trọng tâm chuyển sang chờ quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần tới. Hiện không rõ FED có tiếp tục duy trì tăng lãi suất mạnh để cách kiểm soát lạm phát hay không.

Tại châu Á, giới chức ở Singapore và Australia cho biết họ đang theo dõi thị trường tài chính nhưng tự tin rằng các ngân hàng trong nước có vốn tốt và có thể chịu được những cú sốc lớn.

Các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu đã bị giảm giá mạnh kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon của Mỹ sụp đổ vào tuần trước do các khoản lỗ liên quan đến trái phiếu ngày càng tăng vì lãi suất tăng vào năm ngoái. Từ đó, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu hệ thống ngân hàng nói chung còn có vấn đề gì tiềm ẩn hay không.

Thanh khoản khẩn cấp

Chú thích ảnh
 Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Credit Suisse đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu sử dụng “phao cứu sinh” khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong bối cảnh nhiều ngân hàng có thể bị sụp đổ.

Vấn đề là liệu các ngân hàng trung ương có ngừng tăng lãi suất mạnh hay không.

Lãi suất tăng nhanh đã khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong trả nợ hoặc vay nợ, làm tăng khả năng thua lỗ cho những ngân hàng vốn đã lo lắng về suy thoái kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước vì các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn và nguồn vốn dễ dàng tiếp cận hơn.

Nhưng dữ liệu vào ngày 16/3 cũng cho thấy các ngân hàng ở Mỹ đã tìm kiếm lượng thanh khoản khẩn cấp kỷ lục từ FED trong những ngày gần đây, làm tăng quy mô bảng cân đối kế toán của FED sau nhiều tháng thu hẹp.

Cụ thể, các ngân hàng đã vay 152,85 tỷ USD thông qua “cửa sổ chiết khấu” của FED vốn cung cấp khoản vay lên tới 90 ngày. Cửa sổ chiết khấu sẽ giúp giúp các tổ chức nhận tiền gửi quản lý rủi ro thanh khoản một cách hiệu quả và tránh các hành động gây hậu quả tiêu cực cho khách hàng.

Các ngân hàng cũng đã vay thêm 11,9 tỷ USD thông qua Chương trình tài trợ có kỳ hạn mới của FED có hiệu lực từ 12/3, chuyên cung cấp các khoản vay thời hạn cả năm.

Theo tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), đây là số tiền kỷ lục so với tuần trước khi các ngân hàng chỉ vay 4,58 tỷ USD. Con số này cũng phát vỡ kỷ lục vay theo tuần là 111 tỷ USD đợt khủng hoảng tài chính 2008.

FED không nêu tên các ngân hàng đã vay, nhưng những ngân hàng lớn nhất của Mỹ không có dấu hiệu nào cho thấy họ có vấn đề về khả năng thanh toán. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tuần này nhấn mạnh: “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yanet Yellen cũng cho biết hệ thống ngân hàng của nước này vẫn ổn định nhờ những hành động quyết đoán và mạnh mẽ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các ngân hàng lớn nhất Mỹ bơm 30 tỉ USD ứng cứu First Republic Bank
Các ngân hàng lớn nhất Mỹ bơm 30 tỉ USD ứng cứu First Republic Bank

Ít nhất 8 nhà vay lớn nhất Phố Wall đang bơm tiền cho các quỹ của First Republic Bank (ngân hàng Đệ nhất Cộng hòa), ngân hàng lớn số 14 của Mỹ đang bị khó khăn tài chính bủa vây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN