Theo tờ SCMP, ngày 1/1/2022, đồng euro đã được người dân Liên minh châu Âu (EU) sử dụng làm đồng tiền chung châu Âu duy nhất suốt 20 năm qua, vượt qua những nghi ngờ ban đầu, lo ngại về giá cả và cuộc khủng hoảng nợ lan rộng khắp khu vực.
Tiền giấy và tiền xu euro ra mắt trong bối cảnh vừa được đón nhận nhiệt tình vừa bị hoài nghi ở EU.
Đồng euro hiện được 340 triệu người ở 19 quốc gia, từ Ireland, Đức đến Slovakia sử dụng.
Bulgaria, Croatia và Romania là những nước tiếp theo sẽ gia nhập khu vực đồng euro trong vài năm tới, mặc dù mọi người đang chia rẽ về lợi ích của việc từ bỏ đồng tiền quốc gia.
Ý tưởng tạo ra đồng euro lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970, được coi như một cách để hội nhập châu Âu sâu rộng hơn, làm cho thương mại đơn giản hơn giữa các quốc gia thành viên và mang lại cho châu lục này một loại tiền tệ để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ hùng mạnh.
Các quan chức ghi nhận đồng euro vì đã giúp châu Âu tránh được thảm họa kinh tế trong đại dịch COVID-19.
Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde viết trong một bài đăng trên blog: “Rõ ràng, châu Âu và đồng euro đã trở nên không thể tách rời. Và đối với những người trẻ tuổi ở châu Âu, những người chỉ từng biết đến một loại tiền tệ duy nhất, chắc hẳn sẽ không thể tưởng tượng được châu Âu mà không có nó”.
Trong những ngày đầu tiên của đồng euro, người tiêu dùng lo ngại rằng sự xuất hiện của euro đã khiến giá cả tăng lên khi các quốc gia phải chuyển đổi sang đồng tiền mới.
Mặc dù một số sản phẩm tăng nhẹ khi các doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi tiền, nhưng các số liệu thống kê chính thức cho thấy rằng đồng euro đã giúp tình trạng lạm phát ổn định hơn.
Ví dụ, giá một chiếc bánh mì ở Pháp đã tăng từ 66 xu năm 2001 lên 90 xu ngày nay - một mức tăng phù hợp với lạm phát trước khi có đồng euro.
Những mặt hàng đắt tiền hơn không hề tăng giá, thậm chí có trường hợp còn giảm giá. Tuy nhiên, vẫn có người tin rằng đồng euro đã làm cho mọi thứ trở nên đắt hơn.
Vào tháng 12/2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết đã chuẩn bị sẵn các dự luật để thay đổi đồng euro, đồng thời thông báo về thiết kế và quy trình tham vấn người dân. Dự kiến sẽ có quyết định vào năm 2024.
Bà Lagarde nói: “Sau 20 năm, đã đến lúc xem xét hình thức của các đồng tiền giấy của chúng ta để làm cho chúng trở nên gần gũi hơn với người châu Âu ở mọi lứa tuổi và chủng tộc”.
Bà cho biết, tiền giấy euro “ở đây để ở lại”, mặc dù ECB cũng đang xem xét tạo ra một đồng euro kỹ thuật số cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.
Trong khi đồng đô la Mỹ vẫn ngự trị trên toàn cầu, đồng euro hiện là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chiếm 20% dự trữ ngoại hối toàn cầu so với tỷ lệ 60% của đồng bạc xanh của Mỹ.
Khu vực đồng euro vẫn vững mạnh sau khi đối mặt với mối đe dọa cách đây một thập kỷ: khủng hoảng nợ bắt đầu ở Hy Lạp và lan sang các nước khác. Khi đó, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Síp đã được giải cứu thông qua các gói cứu trợ để phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nhờ đó, đồng euro đã lùi xa mép vực.