Theo kênh truyền hình RT, Trung Quốc đã đẩy lùi những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn những tiến bộ trong ngành sản xuất chip của nước này, áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu nguyên liệu thô chính mà các đối thủ phương Tây cần để sản xuất chất bán dẫn.
Trong ngày 3/7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực vào ngày 1/8 nhằm vào hai kim loại hiếm gali và germanium được sử dụng để sản xuất chip máy tính và nhiều loại sản phẩm khác như tấm pin Mặt Trời và thiết bị radar tiên tiến.
Bộ này cho biết thêm các nhà xuất khẩu sẽ cần sự cho phép đặc biệt để vận chuyển một trong hai kim loại hoặc các hợp chất phái sinh của chúng ra khỏi Trung Quốc do lo ngại tới lợi ích an ninh quốc gia.
Trong một bài xã luận đăng ngày 3/7 trên tờ China Daily, tác giả bài viết nhận định động thái của Bắc Kinh được thực hiện để đáp trả các biện pháp kiềm chế do Mỹ và các đồng minh áp đặt.
“Những ai nghi ngờ quyết định của Trung Quốc có thể hỏi chính phủ Mỹ tại sao nước này nắm giữ các mỏ germanium lớn nhất thế giới nhưng lại hiếm khi khai thác chúng. Hoặc họ có thể hỏi Hà Lan tại sao lại kiểm soát xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, chẳng hạn như máy in thạch bản. Chính họ đang thách thức chuỗi cung ứng thế giới… Trung Quốc chỉ đang bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp của chính mình trong thế giới bất ổn này”, bài xã luận nêu rõ.
Trung Quốc là nhà sản xuất gali đứng đầu thế giới và là một trong những nước xuất khẩu gecmani hàng đầu. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa cả hai kim loại này vào danh sách các nguyên liệu thô quan trọng, nghĩa là chúng được coi là “rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu”. Về phía Mỹ, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nước này đã không sản xuất bất kỳ loại gali nào kể từ năm 1987 và phụ thuộc vào Trung Quốc với 53% lượng nhập khẩu nguyên liệu từ năm 2018 đến 2021.
Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi chính phủ Hà Lan áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu thiết bị bán dẫn, ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ được coi là quan trọng đối với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Động thái của Amsterdam đã vấp phải phản ứng từ chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Washington đang ép buộc các nước khác giúp duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình và thực hiện sự đàn áp chất bán dẫn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh nói thêm rằng Hà Lan nên kiềm chế lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để giúp duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.