Động thái bất ngờ của Kazakhstan nhằm vào tài sản của Nga tại sân bay vũ trụ Baikonur

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 15/3, cơ quan chức năng của của Kazakhstan đã cấm Trung tâm cơ sở hạ tầng vũ trụ của Nga chuyển tài sản và phương tiện ra khỏi quốc gia Trung Á này, đồng thời yêu cầu lãnh đạo của cơ quan trên ở lại Kazakhstan.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ bảo vệ tên lửa đẩy Soyuz S-22 đang được đưa ra bệ phóng bằng tàu hỏa tại sân bay vũ trụ Baikonur do Nga thuê, ở Kazakhstan, ngày 18/9/2022. Ảnh: EPA-EFE

Động thái của Kazakhstan nhằm tịch thu tài sản của công ty vũ trụ Nga trên diễn ra vài ngày sau khi người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roskosmos của Nga, Yury Borisov, công khai chỉ trích Bộ trưởng Truyền thông Kazakhstan Baghdat Musin vì quyết định về việc hoãn xây dựng khu vực phóng tàu vũ trụ mới tại Baikonur.

Bộ trưởng Musin gọi lời chỉ trích của ông Borisov là "một tính toán sai lầm về ngoại giao". Trang web KZ24 trích lời ông Musin nói rằng quyết định tịch thu tài sản thuộc thẩm quyền của Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) - tòa án dựa trên các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp Anh.

Ông Musin cũng xác nhận rằng tài sản bị tịch thu không áp dụng cho toàn bộ khu phức hợp Baikonur, mà áp dụng cho một trong những doanh nghiệp, được gọi là TsENKI (Trung tâm Điều hành Cơ sở hạ tầng Không gian Trên mặt đất).

Theo báo cáo, có hai phán quyết, một vụ liên quan đến TsENKI và một vụ khác liên quan đến Bayterek. Baiterek được thành lập vào năm 2005 để đảm bảo việc chuyển dần các vụ phóng sang các tên lửa an toàn về mặt sinh thái đồng thời loại bỏ các tên lửa Proton sử dụng nhiên liệu heptyl có độc tính cao.

Ông Musin lưu ý TsENKI được thành lập trực thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga vào năm 1994 theo một nghị định liên quan đến thỏa thuận giữa Kazakhstan và Nga về các nguyên tắc và điều kiện sử dụng sân bay vũ trụ Baikonur.

Hiện tại, ông Musin cho biết, ban quản lý của công ty TsENKI đang ở Kazakhstan và các thủ tục liên quan sẽ được thực hiện ở cấp AIFC.

Tổ hợp vũ trụ Baikonur được xây dựng vào những năm 1950 như một bãi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Liên Xô, R-7.

Khu vực thử nghiệm sau đó đã được chuyển thành sân bay vũ trụ, với vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Sputnik, được phóng từ cơ sở này vào ngày 4/10/1957.

Tàu vũ trụ của phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên trên thế giới cũng được phóng từ Baikonur vào ngày 12/4/1961.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã tiếp tục sử dụng tổ hợp vũ trụ Baikonur, thuê địa điểm này từ Kazakhstan từ năm 1994.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào sân bay vũ trụ Baikonur cho các vụ phóng tên lửa có người lái, Nga đã bắt đầu xây dựng sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Amur gần biên giới Trung Quốc vào năm 2012.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nghiên cứu mô phỏng từ Trung Quốc: ICBM của Triều Tiên có thể tấn công Mỹ trong 33 phút
Nghiên cứu mô phỏng từ Trung Quốc: ICBM của Triều Tiên có thể tấn công Mỹ trong 33 phút

Nhóm nhà khoa học quốc phòng ở Trung Quốc đã lập mô phỏng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên nhằm vào lục địa Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN