Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin, các nhà dự báo cho rằng từ nay đến tháng 11, từ Philippines đến Việt Nam sẽ trải qua tình trạng thời tiết ẩm ướt hơn, phần lớn là do hiện tượng La Nina. Theo đó, La Nina đưa nước ấm về phía Tây Thái Bình Dương và mang lại nhiều mưa hơn cho khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm Khí tượng chuyên ngành của ASEAN đánh giá: " La Nina được dự đoán sẽ xảy ra từ tháng 10 đến tháng 11/2024 trở đi, một trong những yếu tố góp phần dẫn đến khả năng lượng mưa cao hơn bình thường trên khắp một số quốc gia trong khu vực”.
Singapore đã ban hành cảnh báo lũ lụt vào ngày 14/10 bởi thời kỳ giao mùa mang theo sấm sét và mưa rào. Cơ quan thời tiết Philippines dự đoán rằng phần lớn quốc gia này có thể phải đón nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình cho đến cuối năm 2024 và cao hơn 160% so với mức trung bình vào tháng 1.
Lượng mưa lớn hơn có thể cản trở các nỗ lực phục hồi ở Việt Nam sau khi bão Yagi tấn công vào tháng 9. Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua tai Việt Nam, lại không theo quy luật thông thường, rất phức tạp nên dù có sự chuẩn bị, ứng phó cũng không tránh khỏi thiệt hại, tác động tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành lĩnh vực kinh tế... Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước).
Trong khi đó, Thái Lan đang phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 30 tỷ baht do lũ lụt ở phía Bắc, bao gồm cả Chiang Mai. Và Philippines, quốc gia phải hứng chịu khoảng 9 cơn bão mỗi năm, vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của một số cơn bão nguy hiểm chết người trong những tháng gần đây, bao gồm Gaemi vào tháng 7, Yagi vào tháng 9 và Krathon vào tháng 10.
Dưới đây là video cho thấy mưa lớn và gió mạnh tại tỉnh Batanes, Philippine vào tháng 9 (nguồn: Reuters):
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán có 60% khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào cuối năm 2024. La Nina ngược lại với El Nino vốn mang lại tình trạng thời tiết khô hơn. Nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn cũng góp phần vào sự phát triển của bão. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Mỹ và Singapore cho thấy khí hậu ấm lên dự kiến sẽ làm tăng khả năng hình thành và tăng cường bão gần bờ biển Đông Nam Á hơn.
Ông Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, người tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Các cơn bão nhiệt đới sẽ trở nên mạnh hơn bởi lý thuyết cơ bản rõ ràng: nhiệt độ đại dương gia tăng. Các đại dương càng ấm thì càng có nhiều năng lượng để bão nhiệt đới lớn hơn nữa”.
Nguy cơ gia tăng dữ dội các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương đang buộc các doanh nghiệp và chính phủ tại khu vực phải cân nhắc những phương thức mới để chống bão.