Đồng hồ ngày tận thế được đặt lại ở mốc 90 giây trước nửa đêm

Ngày 23/1, chiếc đồng hồ ngày tận thế lại được đặt về mốc 90 giây trước nửa đêm một lần nữa.

Chú thích ảnh
Chiếc đồng hồ cảnh báo nguy cơ của nhân loại. Ảnh: NRP

Theo Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (BAS), đồng hồ ngày tận thế đã hoạt động 77 năm qua không phải là chiếc đồng hồ bình thường. Đây là công cụ cho thấy thời điểm con người hủy diệt thế giới đang tới gần thế nào.

Thời điểm “nửa đêm” ngầm chỉ thời khắc thế giới có nguy cơ bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân, những công nghệ nguy hiểm do chính con người tạo ra hay các thiên tai thảm họa.

Đồng hồ ngày tận thế ở mức 90 giây có nghĩa là chúng ta đang sống trong giai đoạn nguy hiểm chưa từng có. 

Năm 2023, BAS đặt đồng hồ ở mức 90 giây trước nửa đêm với lý do bùng phát xung đột Nga - Ukraine và nguy cơ leo thang hạt nhân ngày càng tăng.

Từ năm 2020 đến năm 2022, đồng hồ được đặt ở mức 100 giây trước nửa đêm.

Theo BAS, đồng hồ này không đo lường chính xác các mối đe dọa hiện hữu mà để khơi dậy các cuộc bàn luận về các chủ đề khoa học khó giải quyết như biến đổi khí hậu.

Bà Rachel Bronson, Chủ tịch BAS, cho biết trong một cuộc họp báo công bố thời gian hôm 23/1 rằng quyết định giữ đồng hồ ở mức 90 trước nửa đêm như năm 2023 phần lớn là do những lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Israel - Hamas ở Gaza, khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và khủng hoảng khí hậu.

Bà Bronson nói thêm: “Các xu hướng tiếp tục hướng tới thảm họa toàn cầu một cách đáng lo ngại. Cuộc chiến ở Ukraine đặt ra nguy cơ leo thang hạt nhân luôn hiện hữu. Và cuộc tấn công ngày 7/10/2023 ở Israel và chiến tranh ở Gaza là một minh họa nữa về sự khủng khiếp của chiến tranh hiện đại, ngay cả khi không có leo thang hạt nhân. Các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang tham gia vào các chương trình hiện đại hóa có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Trái đất đã trải qua năm nóng kỷ lục, lũ lụt nghiêm trọng, hỏa hoạn cũng như các thảm họa khác liên quan đến khí hậu đã bén rễ. Và việc thiếu hành động đối với biến đổi khí hậu đe dọa hàng tỷ mạng sống và sinh kế”.

Bà Bronson cũng coi những tiến bộ gần đây trong trí tuệ nhân tạo là một mối quan tâm khác, nói rằng chúng đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau về cách kiểm soát một công nghệ có thể cải thiện hoặc đe dọa nền văn minh theo vô số cách.

Chú thích ảnh

Theo CNN, BAS do một nhóm các nhà khoa học làm việc trong Dự án Manhattan thành lập. Dự án Manhattan là mật danh của chương trình phát triển bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai.

Ban đầu, tổ chức này được thành lập để đo lường các mối đe dọa hạt nhân, nhưng vào năm 2007, BAS đã đưa ra quyết định đưa biến đổi khí hậu vào tính toán của mình.

Trong 77 năm qua, thời gian trên đồng hồ đã thay đổi tùy theo mức độ mà các nhà khoa học tin rằng loài người sắp bị hủy diệt hoàn toàn. Có năm thời gian thay đổi, có năm thì không.

Lần đồng hồ ở xa khỏi mốc nửa đêm nhất là năm 1991 sau khi Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược để giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, đồng hồ được cài cách nửa đêm 17 phút. Từ sau đấy, kim phút của đồng hồ đều đặn nhích dần về phía trước.

Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu lần đầu tiên được BAS xác định là một yếu tố quyết định vị trí kim đồng hồ vào năm 2007, khi đồng hồ cách mốc nửa đêm 5 phút thay vì 7 phút như trước đó.

Mặc dù đồng hồ ngày tận thế là một lời cảnh tỉnh hữu hiệu khi nhắc nhở mọi người về những cuộc khủng hoảng liên miên mà thế giới đang phải đối mặt, nhưng một số người vẫn đặt câu hỏi về tính hữu ích của công cụ này.

Nhật Linh/ Báo Tin tức (Theo CNN)
Có gì đặc biệt ở cửa hàng Nhật Bản nơi khách phải chờ 43 năm mới tới lượt mua bánh
Có gì đặc biệt ở cửa hàng Nhật Bản nơi khách phải chờ 43 năm mới tới lượt mua bánh

Nếu đặt mua món croquette bò Kobe đông lạnh từ một cửa hàng thịt gia truyền tại tỉnh Hyogo (Nhật Bản), khách hàng có thể phải chờ đến 43 năm mới nhận được hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN