Đơn vị ít được biết đến của Lầu Năm Góc chuyên về giải cứu quân nhân

Đêm 21/3/2011, một tiêm kích F-15E của Mỹ rơi tại Libya khi tham gia chiến dịch quân sự Bình Minh Odyssey chống lại chính quyền lãnh đạo quốc gia Bắc Phi khi đó, ông Muammar Gaddafi.

Chú thích ảnh
Khi quân nhân Mỹ gặp hiểm nguy, JPRA sẽ ra mặt để đưa họ trở về nhà. Ảnh: Business Insider

Theo tờ Business Insider, viên phi công và một sĩ quan trên chiếc chiến đấu cơ đã nhảy dù ra ngoài nhưng lại mắc kẹt trong lãnh thổ đối thủ. Chỉ trong vài giờ sau đó, 2 nhân vật này được giải cứu.

Đằng sau chiến dịch giải cứu cách đây 1 thập niên là cơ quan ít được biết đến thuộc Lầu Năm Góc có tên Đơn vị Phối hợp Giải cứu Nhân sự (JPRA).

JPRA được thành lập năm 1999 với nhiệm vụ chính là giải cứu những binh sĩ, thành viên chính phủ mắc kẹt tại các địa điểm cô lập hoặc nguy hiểm. JPRA còn là trung tâm thông tin của Lầu Năm Góc liên quan đến giải cứu nhân sự bao gồm tìm kiếm, giải cứu, sinh tồn, sơ tán, thoát nạn và kháng cự.

Ngoài ra, JPRA còn hỗ trợ đào tạo cho những cá nhân gặp nhiều rủi ro như phi công. JPRA cũng chịu trách nhiệm phát triển nguyên tắc giải cứu nhân sự và phối hợp cùng đồng minh về các vấn đề liên quan.

Các thành viên của JPRA bao gồm cả quân nhân và dân sự. Trong các chiến dịch quân sự của Mỹ, luôn có hiện diện của trung tâm JPRA để hỗ trợ và giám định. Nhờ vậy, binh sĩ có thể chuẩn bị tốt hơn trước các mối đe dọa và xử lý, ứng phó với thời điểm thích hợp cùng phương pháp hiệu quả.

Khi có thông tin về binh sĩ rơi vào lãnh thổ địch, bước đầu tiên của JPRA là tiến hành quá trình xác thực để đảm bảo đây là quân nhân Mỹ thay vì nhân vật giả mạo nhằm đánh bẫy.

Những cá nhân chịu nhiều rủi ro như phi công, sĩ quan tình báo sẽ cung cấp trước dữ liệu cá nhân như vân tay, ảnh chân dung… trước khi tham gia chiến dịch. Trước đây, những thông tin này được lưu giữ trên bản sao cứng nhưng gần đây JPRA đã số hóa các dữ liệu này nhằm rút ngắn thời gian khi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh.

Bước đầu tiên của quá trình xác thực là điều máy bay quân sự như A-10, F-16 hoặc F-15 để định vị vị trí nhân sự cần giải cứu. Tiếp đó là dùng thông tin đăng ký để xác định danh tính. Theo sau đó là gửi tín hiệu đến họ qua sóng radio với tần số đảm bảo hoặc pháo sáng, thậm chí là tận dụng gương gửi tin nhắn bằng mã Morse.

Nhiệm vụ của JPRA không chỉ hạn chế trong giải cứu nhân sự mà còn liên quan đến giải cứu con tin nếu cần thiết.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hải quân Mỹ lần đầu tiên có 4 nữ chỉ huy chiến hạm là người da màu
Hải quân Mỹ lần đầu tiên có 4 nữ chỉ huy chiến hạm là người da màu

Lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ, có 4 phụ nữ da màu đảm nhận vị trí chỉ huy chiến hạm cùng một thời điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN