Quyết định này được cho là giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của mạng xã hội Facebook trong cuộc tranh cãi với cơ quan bảo vệ dữ liệu của Bỉ.
CJEU nêu rõ trong một số điều kiện nhất định, cơ quan giám sát của các nước thành viên EU có thẩm quyền khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU. Phán quyết của CJEU có thể mở đường cho các cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu tại EU đưa ra hành động pháp lý chống lại các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Twitter và Apple có trụ sở EU đặt tại Ireland.
Quyết định của CJEU được đưa ra sau khi một tòa án Bỉ kiến nghị việc Facebook không chấp hành quyết định của cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu của nước này cấm mạng xã hội này theo dõi người dùng ở Bỉ.
EU và Mỹ đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận cho phép duy trì trao đổi dữ liệu riêng xuyên Đại Tây Dương, thay thế thỏa thuận cũ đã bị tòa án EU bác bỏ. Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google, Microsoft và hàng nghìn công ty khác cũng mong chờ hai bên sớm đạt thỏa thuận để tránh rào cản pháp lý làm gián đoạn hoạt động trao đổi dữ liệu sau khi châu Âu áp dụng quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2018.
Quy định mới, gọi tắt là GDPR, trao cho người dùng nhiều quyền quyết định hơn với những dữ liệu cá nhân trong khi các cơ quan quản lý cũng có thêm thẩm quyền để xử lý các công ty vi phạm, với mức phạt có thể lên tới tối đa 4% doanh thu toàn cầu mà công ty đó thu được trong một năm.