Việc các đại biểu từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự hơn 70 sự kiện, gồm các phiên hội thảo, bàn tròn, đối thoại kinh doanh và hội nghị quốc tế tại diễn đàn này, một lần nữa cho thấy EEF nói riêng, và khu vực Viễn Đông nói chung, đang trở thành "địa chỉ đỏ" thu hút sự quan tâm của quốc tế. Bên cạnh đó, như đánh giá của ông Evgeni Vlasov, Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), địa điểm theo truyền thống là nơi tổ chức EEF: “Điểm đặc biệt của diễn đàn năm nay là bất chấp đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn có thể tổ chức sự kiện”, EEF 2021 cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Nga biến khu vực Viễn Đông trở thành cửa ngõ vào châu Á, hiện thực hóa chiến lược "hướng Đông" của Moskva.
Với đất đai rộng lớn, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, đồng thời nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ, rõ ràng vùng Viễn Đông hiện nay có thể đóng vai trò đòn bẩy để LB Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực, đẩy mạnh sự phát triển của chính khu vực Viễn Đông, qua đó tạo đà cho chiến lược xoay trục sang phương Đông của nước Nga. Không ngẫu nhiên mà từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển vùng Viễn Đông, đưa Viễn Đông, và về lâu dài là toàn bộ Siberia, cần trở thành một trung tâm của nước Nga về hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư.
Tại EEF lần thứ sáu này, Tổng thống Nga Putin tái khẳng định một trong những ưu tiên lâu dài và tuyệt đối của chính quyền Nga là phát triển mạnh vùng Viễn Đông. Ông Putin tuyên bố từ năm 2022 sẽ bắt đầu các chuyến vận tải container thường lệ từ Vladivostosk đến St. Petersburg và ngược lại sử dụng Tuyến đường biển Bắc (NSR) đi qua Bắc Băng Dương. Việc mở tuyến vận tải như vậy là nhằm phát triển vùng Viễn Đông như một huyết mạch giao thông và nằm trong kế hoạch phát triển khu vực này của chính quyền Nga. Điện Kremlin coi khu vực này là một trung tâm phát triển quốc tế của Nga.
Trong những năm gần đây, nhà chức trách Nga đã nỗ lực bằng mọi cách để biến khu vực xa xôi này thành khu vực thu hút đầu tư cả của Nga và quốc tế. Nếu tính tới tình trạng giá cước vận tải container trên thế giới đang tăng gấp 10 lần do những căng thẳng, tắc nghẽn trong hệ thống vận tải, trung chuyển container toàn cầu thì rõ ràng Tuyến đường biển Bắc (NSR) đi qua Bắc Băng Dương của Nga là dự án rất đáng để quan tâm.
Cũng tại EEF năm nay, Nga đã nêu kế hoạch xây dựng Hành lang hậu cần không người lái kết nối châu Á và châu Âu. LB Nga xác định một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng để phát triển giao thông vận tải là tăng gấp 10 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030 và muốn lập các hành lang vận tải hàng hóa bằng ôtô tự lái, kết hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để đạt được mục tiêu này. Ông Kirill Bogdanov, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải LB Nga gọi đây là dự án đột phá. Khi dự án này trở thành hiện thực sẽ rút ngắn thời gian giao hàng 25%, đồng thời giảm giá cước vận tải 15%, giúp Nga mỗi năm tiết kiệm tới 300 tỷ ruble do không cần chứng từ truyền thống. Ngoài ra, dựa vào kho dữ liệu lớn sẽ xác định được các điểm nghẽn trên tuyến để qua đó đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông.
Tổng thống Putin đã công bố loạt biện pháp miễn giảm thuế “chưa từng có” cho doanh nghiệp và để hỗ trợ khu vực Viễn Đông. Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ thị soạn thảo một chương trình phát triển quy mô lớn các thành phố Viễn Đông trong 2 năm tới, với xu hướng và các chuẩn mực sống mới, “nơi con người và nhu cầu của con người là tâm điểm chú ý”. Theo ông Putin, dự án thử nghiệm sẽ được thông qua tại EEF năm tới. Trong số các kế hoạch này có việc xây dựng một thành phố vệ tinh của Vladivostok với tên gọi Sputnik và gồm 300.000 dân. Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông Nga, Alexei Chekunkov, cho biết trong vòng 10 năm, đô thị Vladivostok có thể quy tụ tới 1 triệu người nếu thành phố như vậy được xây dựng.
Để tăng cường thu hút nhân tài, biến Viễn Đông trở thành một đầu tàu về giáo dục và khoa học, Tổng thống Putin còn đề xuất đại tu hơn 1.000 trường học phổ thông, tạo ra 21.500 chỗ học mới. Bên cạnh đó là một loạt yêu cầu về tiếp tục tăng số lượng học bổng đại học được ngân sách nhà nước tài trợ, cập nhật các chương trình đào tạo, thu hút thêm nhiều giáo viên và nhà khoa học có trình độ. Người đứng đầu nước Nga đặt mục tiêu Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) “phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và trở thành một trong những trường đại học hàng đầu thế giới ”.
Có thể thấy, đằng sau qua những cam kết này của Tổng thống Nga là kỳ vọng sẽ biến Viễn Đông trở thành một khu vực phát triển năng động, để hiện thực hóa chiến lược xoay trục của nước Nga sang phía Đông. Thông qua việc đưa Viễn Đông trở thành cầu nối về kinh tế, năng lượng, giao thông vận tải... giữa Nga với châu Á, Nga đang thúc đẩy mục tiêu hội nhập một cách hiệu quả giữa vùng Viễn Đông với khu vực châu Á-Thái Bình Dương - địa bàn mà nước Nga vẫn xem là có ý nghĩa chiến lược quan trọng và là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Moskva.