Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Keith Scott nói: “Tổng thống Trump vốn chẳng ưa báo chí vì vậy ông ấy không thoải mái… Nhà lãnh đạo Mỹ muốn tỏ ra có quyền lực”.
Một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể khác, bà Rebecca Klein nhận định tuy tâm trạng còn bộn bề khi phát triển kinh tế chậm lại do chiến tranh thương mại đã kéo dài trong nhiều tháng với Mỹ nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình lại mang tư thế khá tự tin.
Sự tự tin này được cho bắt nguồn từ kết quả cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều thống nhất ngừng nâng thuế, tạm đình chiến chiến tranh thương mại.
Ông Klein đề cập đến 9 thành viên đoàn Trung Quốc trên cùng bàn với các đại biểu Mỹ và nhận xét họ đều để lộ tay trên bàn thể hiện tính cởi mở. Trong khi đó các quan chức Mỹ lại không như vậy.
Tổng thống Trump rướn người về phía trước, vai hơi gù còn đoàn quan chức Mỹ cùng bàn đều ngả về phía sau dựa vào ghế và đặt tay dưới bàn. Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Scott nói: “Dường như họ đều nghĩ rằng liệu tôi có phải là người tiếp theo rời Nhà Trắng?”.
Điều đáng chú ý khác là phản ứng của Chủ tịch Tập Cận Bình với phát biểu mở màn của Tổng thống Trump khi ông chủ Nhà Trắng tự tin rằng kết quả cuộc gặp sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình gật đầu nhịp nhàng không hề gượng ép mà khá bình thản, tự tin và thoải mái. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn quan sát đều đoàn đại biểu Mỹ thay vì chỉ tập trung tầm nhìn vào Tổng thống Trump. Theo ông Keith Scott, điều này thể hiện Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhìn toàn bộ tình hình từ quan điểm rộng hơn.
Trong khi đó, đến thời điểm bản thân lắng nghe, Tổng thống Trump lại “tiết kiệm” gật đầu, biểu hiện không đồng điệu với những người trong cùng bàn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nhận định từ một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể khác, ông Joe Navarro đánh giá về tổng thể đoàn đại biểu Mỹ muốn thể hiện cứng rắn trong khi phái đoàn Trung Quốc lại khá kiên quyết.