Hiệp hội Máy móc Xây dựng Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy doanh số máy xúc tăng 11,6% so với năm 2019 lên 49.408 chiếc. Tính riêng doanh số máy xúc tại thị trường Trung Quốc tăng 11,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 46.610 chiếc.
Dữ liệu này đánh dấu mức tăng mạnh sau khi doanh số máy xúc giảm 50,5% trong tháng 2 - khi hoạt động sản xuất, xây dựng tại Trung Quốc gần như "đóng băng" do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá doanh số máy xúc gia tăng cho thấy nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc xoay quanh việc bơm tiền cho chính quyền địa phương và “rót” các khoản vay lãi suất thấp vào hệ thống ngân hàng – đây là phương pháp từng được áp dụng hồi năm năm 2008 để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Nhà kinh tế học Bo Zhuang tại công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết để xử lý kinh tế tăng trưởng chậm, Mỹ thường để Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất, trong khi đó Trung Quốc lại áp dụng hình thức “kích thích cơ sở hạ tầng”. Khi thế giới gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ở mức 6,1% trong quý đầu 2009. Khi đó Bắc Kinh ra mắt chương trình kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ với phần lớn dành cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của Trung Quốc đều giảm do dịch COVID-19 nhưng có dấu hiệu cho thấy hoạt động tại các công ty công nghiệp lớn và công trường xây dựng đã quay trở lại nhịp độ bình thường vào tháng 3, thời điểm dịch bệnh tại nước này bắt đầu chứng kiến đồ thị đi xuống.
Doanh số máy xúc thường được coi là thông số hàng đầu về đầu tư bởi thiết bị này được sử dụng rộng rãi trong thi công từ đường bộ cho tới xây dựng. Năm 2009, doanh số máy xúc đã tăng 23% khi kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc biến nước này thành một đại công trường.
Thủ tướng Lý Khắc Cường từng cho biết ông thích theo dõi “chỉ số máy xúc”, theo sát doanh số và tình trạng khai thác của thiết bị này. Theo ông Lý Khắc Cường, điều này “cung cấp sự hỗ trợ quan trọng trong phân tích tình hình kinh tế vĩ mô”.
Nhu cầu về máy xúc tăng mạnh khiến hai nhà sản xuất hàng đầu tại Trung Quốc là công ty Sany và Xuzhou vào cuối tuần tuyên bố tăng giá thiết bị này từ 5-10%.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia và Bộ Giao thông Trung Quốc đã thông qua 33 dự án cơ sở hạ tầng trong tháng 3 với tổng kinh phí đầu tư 350 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Liu Shijin vào ngày 15/4 nhận định: “Đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chỉ là một động lực kinh tế nhỏ so sánh với tiêu dùng. Điều này không còn tác dụng ổn định được toàn bộ nền kinh tế. Nhiệm vụ quan trọng là ổn định tiêu dùng”. Theo chuyên gia này, Chính phủ Trung Quốc nên tập trung vào mức tăng trưởng 3% cho năm 2020 thay vì 6%.
Tính đến ngày 16/4, Trung Quốc ghi nhận 82.341 ca mắc COVID-19 và 3.342 trường hợp tử vong.