Doanh nghiệp Mỹ gặp khó với yêu cầu xác minh tình trạng tiêm chủng của người lao động

Các công ty cho biết việc theo dõi sát sao tình trạng tiêm chủng của công nhân viên có thể gây ra các vấn đề phân biệt đối xử và làm phức tạp quá trình tuyển dụng.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nông trại thu hoạch tỏi Christopher Ranch ở Gilroy, California. Ảnh: Reuters

Nông trại trồng tỏi lớn nhất nước Mỹ Christopher Ranch cần đến 1.000 nhân công thu hoạch vụ mùa hàng năm. Tuy nhiên, năm nay ông chủ trang trại này lại gặp một rào cản lớn trong quá trình tuyển dụng: phải tuân thủ quy định khai và theo dõi tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nhân công.

Theo hãng tin Reuters, các chủ doanh nghiệp tại hạt Santa Clara (bang California) buộc phải xác minh lao động họ thuê đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, cũng như phải kiểm tra 2 tuần một lần đối với những người chưa tiêm hoặc từ chối tiết lộ. Quy định này được chính quyền hạt áp dụng từ 1/6 song nó đã gây ra không ít phiền toái cho các ông chủ nông trại khi giờ đang ở giữa mùa thu hoạch bận rộn nhất năm.

Ken Christopher – Phó Giám đốc điều hành nông trại trồng tỏi – cho biết công ty phải phát triển một hệ thống để kiểm tra xem ai đã tiêm vaccine ai chưa trong khi vẫn phải tuân thủ luật riêng tư và đảm bảo người lao động thực hiện đúng quy chuẩn an toàn.

“Nếu chính phủ muốn tiêm vaccine là một điều bắt buộc, nó đi một nhẽ. Nhưng họ lại yêu cầu chúng tôi là người phụ trách thực thi, thật không hợp lý chút nào”, ông Christopher chia sẻ. Một số bang tại Mỹ, trong đó có California, Michigan và Oregon, đã tự đề ra quy định về việc xác định tình trạng tiêm chủng của người lao động.

Những người làm việc tại Thung lũng Silicon chưa tiêm vaccine hoặc từ chối trả lời về tình trạng tiêm chủng của mình phải đảm bảo đeo khẩu trang và hạn chế công việc di chuyển xa cũng như thường xuyên phải xét nghiệm COVID-19.

Các luật sư phụ trách nhân sự tại các công ty cho biết việc theo dõi sát sao tình trạng tiêm chủng của công nhân viên có thể gây ra các vấn đề phân biệt đối xử và làm phức tạp quá trình tuyển dụng trong khi thị trường lao động vẫn chưa hồi phục do đại dịch COVID-19.

Ông Christopher cho biết nông trại của ông đang cân nhắc chia ca làm việc cho người lao động đã tiêm vaccine và người chưa tiêm để tránh bị phân biệt đối xử và gây căng thẳng.

Tuy nhiên, việc hỏi tình trạng tiêm chủng của người lao động trong trang trại và nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tuyển dụng. “Thông tin được cung cấp cho chính quyền. Điều đó khiến người lao động cảm thấy không thoải mái khi làm việc ở đây”, Christopher cho hay.

Theo hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người đã được tiêm chủng có thể không cần đeo khẩu trang khi hoạt động trong nhà tại hầu hết các địa điểm.

“Vấn đề mà các công ty tranh luận hiện nay, và chúng tôi cũng tham gia, là liệu có cần thiết đánh dấu một ai đó đã tiêm chủng với huy hiệu hay một thứ gì đó chứng thực đeo trên người để khi họ không đeo khẩu trang, những người còn lại sẽ yên tâm”, Peter Hunt, Phó Chủ tịch bảo vệ thương hiệu và quyền riêng tư tại công ty thiết kế Flex, giải thích yêu cầu người thuê hỏi về tình trạng tiêm chủng của người lao động về bản chất chẳng khác gì quy định bắt buộc tiêm vaccine.

Tại hạt Santa Clara, công ty phát triển nền tảng điện toán đám mây ServiceNow cho biết họ đang quảng bá một ứng dụng cho phép người lao động cung cấp thông tin tình trạng tiêm chủng cho người sử dụng lao động.

Đối với nhân viên của chính công ty, ServiceNow nhấn mạnh họ không yêu cầu nhân viên bắt buộc tiêm vaccine mới được quay trở lại làm việc và nhân viên có quyền quyết định tiết lộ tình trạng tiêm chủng hay không. “Chúng tôi khuyến khích các bạn chia sẻ nếu các bạn cảm thấy thoải mái”, hướng dẫn của công ty đề cập. Hiện ServiceNow vẫn yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang tại các văn phòng.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Châu Phi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine
Châu Phi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết châu Phi đang làm việc với Liên minh châu Âu (EU) và nhiều đối tác khác nhằm giúp xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine của khu vực tại Nam Phi, Senegal và Rwanda. Nigeria cũng là nước đang được cân nhắc để xây dựng trung tâm sản xuất vaccine này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN