Ngày 9/9, hàng nghìn người dân đã xuống đường tuần hành khắp khu vực trung tâm thủ đô London nhằm kêu gọi Chính phủ Anh "xem xét lại và từ bỏ Brexit". Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong số những người ký vào bức thư ngỏ có đại diện của các công ty lớn như Centrica, Zurich Insurance, Johnson & Johnson và Harrods.
Thư ngỏ nêu rõ lãnh đạo các doanh nghiệp thúc giục Thủ tướng Anh Theresa May tìm cách đạt được một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài ít nhất 3 năm sau Brexit, đồng thời cảnh báo việc không có đủ thời gian "sẽ hủy hoại sự phát triển thịnh vượng chung" của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh, bà Carolyn Fairbairn đánh giá các doanh nghiệp đang rất lo ngại về tiến trình Brexit, trong bối cảnh kịch bản "không đạt được thỏa thuận" nào sau tháng 3/2019 đang "ngày một rõ ràng". Bà Fairbairn cũng dẫn kết quả một điều tra do Liên đoàn Công nghiệp Anh thực hiện cho thấy có đến 40% doanh nghiệp nước này đang phải cắt giảm hoặc tạm ngừng các hoạt động đầu tư do những bất ổn xoay quanh Brexit.
Mặc dù đến thời điểm này nội các của Thủ tướng Anh Theresa May đã thống nhất quan điểm về việc cần có một giai đoạn chuyển tiếp sau khi hoàn tất đàm phán Brexit, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kéo dài bao lâu.
Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cũng đã lên tiếng ủng hộ các doanh nghiệp về phương án thời gian chuyển tiếp kéo dài 3 năm, trong khi các gương mặt khác trong Chính phủ như Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox lại nghiêng về khoảng thời gian ngắn hơn.
Dự kiến ngày 22/9 tới, Thủ tướng Theresa May sẽ trình bày những cập nhật về chiến lược Brexit của Anh trong một bài phát biểu tại thành phố Florence, Italy.