Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế và quay trở lại cuộc sống bình thường, đây là những điều kiện mà các nước trên cần phải đáp ứng.
Theo hãng tin AFP, giới chuyên gia lo ngại chính quyền các nước sẽ khuất phục trước sức ép từ kinh tế và xã hội mà sớm dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa, từ đó có thể tạo cơ hội cho phép COVID-19 xuất hiện trở lại.
“Dỡ bỏ các biện pháp chống dịch quá sớm có thể dẫn tới một sự hồi sinh chết người”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu ngày 7/4.
Christian Brechot – Chủ tịch viện Pasteur (Pháp) – khuyến cáo chúng ta phải “rất cẩn trọng” trước loại virus mà nhiều quốc gia trước đó đánh giá thấp khả năng của nó.
“Không rõ với đại dịch có quy mô lớn đến như này, làm thế nào mà mọi thứ có thể trở lại bình thường”, ông Brechot trả lời đài France Info.
Bất chấp mọi cảnh báo từ giới chuyên gia, tại châu Âu – châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất thế giới với ít nhất 78.000 ca tử vong, một số quốc gia đã dỡ bỏ một phần các biện pháp phòng dịch.
Có số các ca mắc mới đang trên đà giảm kèm theo đó là một số khu vực trong nước đã đỡ ảnh hưởng từ COVID-19, Đức được cho là đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo từng giai đoạn. Trong khi đó, Áo cho phép các cửa hàng buôn bán nhỏ mở cửa trở lại sau kì nghỉ Lễ Phục sinh. Quốc gia này tin rằng đã thành công “làm phẳng đường cong” dịch bệnh.
Tương tự, Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại nhà trông trẻ, trường mẫu giáo và tiểu học từ ngày 15/4, trong khi Cộng hòa Séc bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế, trong đó cho phép một số cửa hàng hoạt động.
Các quốc gia trên được cho là đang đi theo bước chân của Trung Quốc – đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, sau khi thấy các biện pháp hạn chế đạt được hiệu quả.
Đối với một số quốc gia khác từng bị coi là “tâm dịch” như Italy, Tây Ban Nha và Anh, chính phủ những nước này vẫn rất còn thận trọng khi bàn về việc dỡ bỏ các biện pháp.
“Không phải chúng ta làm phẳng được đường cong đồng nghĩa với việc chúng ta nên dỡ bỏ lệnh phong tỏa”, Antoine Flahault – một chuyên gia về y tế công cộng và dịch tễ học tại Đại học Geneva – bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Brecho cho biết ông “hy vọng từ giữa tháng Năm, các quốc gia sẽ chứng kiến sự giảm tốc trong mức độ lây lan của dịch bệnh, từ đó cho phép ‘nới lỏng dần dần’ các biện pháp hạn chế”.
Jean-Francois Delfraissy, người dẫn đầu trong hội đồng khoa học về virus SARS-CoV-2 tham vấn cho Chính phủ Pháp, cảnh báo “chúng ta không đi từ đen sang trắng, mà mới chỉ từ đen sang xám”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh có ba điều kiện tiên quyết các quốc gia cần phải đạt được trước khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Đầu tiên, số lượng các ca mắc COVID-19 cần điều trị chăm sóc tích cực phải có xu hướng giảm. Điều này sẽ giúp cho lực lượng y bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi cũng như trang bị đầy đủ thiết bị y tế. Thứ hai là tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 phải xuống dưới 1, so với con số này đầu mùa dịch là 3,3. Cuối cùng, các quốc gia cần có đủ số lượng khẩu trang để bảo vệ người dân cũng như đủ bộ xét nghiệm để theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus.
Cụ thể tại Pháp, tốc độ xét nghiệm COVID-19 phải tăng từ con số 30.000 xét nghiệm/ngày hiện nay lên 100.000 hoặc thậm chí là 150.000 lần/ngày cho đến cuối tháng Tư, trước khi cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm.
Tất nhiên, những điều kiện này vẫn chưa thể chắc chắn để các nước yên tâm dỡ phong tỏa. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác cần phải nghiên cứu thêm. Ví dụ như tác động của mùa hè đối với tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19. Virus gây bệnh về đường hô hấp thường ít phổ biến vào những tháng ấm hơn, nhưng liệu virus SARS-CoV-2 có giống thế.
“Nếu như không có mùa hè, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn nếu muốn dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa”, chuyên gia Flahault kết luận.