Điều kiện chín muồi, đối thoại Mỹ-Triều sắp diễn ra?

Sau nhiều năm đe dọa dùng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Washington để giảm căng thẳng.

Tướng tình báo Triều Tiên Kim Yong-chol (hàng sau, bên phải) và con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump (hàng trước, bên phải) tham dự Lễ bế mạc Olympic. Ảnh: AP


Đây được coi là động thái chủ động hiếm hoi từ phía Triều Tiên, vì từ trước đến nay Washington và Bình Nhưỡng chỉ tổ chức các cuộc đối thoại ngoại giao trong những trường hợp cụ thể, như thương lượng thả con tin Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên. Hiện giờ, Triều Tiên lại thể hiện thiện chí mở ra một kênh thảo luận nhằm chấm dứt khoảng thời gian “thù địch” giữa hai quốc gia.

Tin tức này xuất hiện trong bối cảnh phái đoàn cấp cao Triều Tiên, do Tướng Kim Yong-chol – một cựu quan chức tình báo cấp cao – tới Hàn Quốc tham dự Lễ bế mạc Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018 và hai ngày sau khi Washington tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt “nặng nhất” từ trước đến nay đối với Bình Nhưỡng.

Trước đó hai tuần, một cuộc gặp gỡ bí mật giữa Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và lãnh đạo Triều Tiên tại Hàn Quốc, trong đó có em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã được lên kế hoạch nhưng phía Bình Nhưỡng hủy bỏ vào phút chót.

Với tuyên bố mới nhất sẵn sàng đối thoại với Mỹ, trưởng đoàn phái đoàn Triều Tiên tại Hàn Quốc, Tướng Kim không nêu rõ Bình Nhưỡng sẽ thảo luận về việc chấm dứt chương trình tên lửa hoặc hạt nhân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Triều Tiên muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ trong khi đồng thời xây dựng sự tin tưởng với nước láng giềng Hàn Quốc.

Phản ứng trước lời đề nghị của Triều Tiên, Chính phủ Mỹ, trong một tuyên bố của Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders đưa ra sau đó vài giờ, cho biết: “Như Tổng thống Trump nói trước đó, con đường dành cho Triều Tiên sẽ tươi sáng hơn nếu nước này chọn phương án phi hạt nhân hóa. Chúng tôi sẽ chờ xem liệu rằng thông điệp của Bình Nhưỡng ngày hôm nay có đại diện cho những bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hay không”.

Theo một bài viết xuất bản vào ngày 26/2 trên báo Mỹ Vox, mọi điều kiện đều đang chín muồi cho một cuộc đối thoại Mỹ-Triều.

Các chuyên gia cho rằng đối thoại cấp cao Mỹ-Triều khó xảy ra, vì cả hai bên đều vẫn đang kiên quyết với chính sách ưu tiên của mình và gần như một cuộc thảo luận giữa quan chức cấp cao hai nước là không thể. Cụ thể, Triều Tiên muốn Mỹ dừng tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Mỹ lại khăng khăng Triều Tiên phải hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, cơ hội đối thoại Mỹ-Triều cấp thấp hơn được cho là có khả quan trong tương lai gần.

Đó có thể là lí do vì sao Tổng thống Trump lại cử Alison Hooker – cố vấn cho Tổng thống trong chính sách đối với Triều Tiên trong Hội đồng An ninh Quốc gia – tham gia vào phái đoàn Mỹ lần này tới Olympic.

Bà Alison và Tướng Kim – người dẫn đầu đoàn Triều Tiên tại Hàn Quốc – đã từng có lần gặp mặt trực tiếp vào năm 2014, khi đó bà đang tham gia thương lượng đòi trả con tin Mỹ với Triều Tiên.

Không chỉ có vậy, bên phía Triều Tiên, nước này cũng cử Choe Kang-il – người được giao trọng trách giải quyết các vấn đề với Mỹ trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên – là một phần trong phái đoàn đang ở Bình Nhưỡng.

Thực sự không còn một lý do nào khác hợp lý hơn giải thích cho sự có mặt của ông Choe trong phái đoàn nếu như không phải là tham gia đối thoại Mỹ-Triều.

Theo tờ Washington Post, cả ông Choe và bà Alison đều vắng mặt trong Lễ bế mạc Olympic Mùa đông tổ chức vào ngày 25/2.

Hiện vẫn chưa rõ liệu quan chức hai nước đã thực sự gặp mặt hay họ có kế hoạch gặp nhau trong tương lai gần hay không. Nhưng có hai điều rất rõ ràng. Đầu tiên, Tổng thống Trump đang dần mất kiên nhẫn với Triều Tiên. Trong một tuyên bố ngày 24/2 sau cuộc họp báo với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump đe dọa nếu “các lệnh trừng phạt không có tác dụng thì Mỹ sẽ chuyển qua giai đoạn 2”. Thứ hai, Triều Tiên cũng thể hiện rõ bản thân là một quốc gia rất cứng rắn trong thương lượng. Cho nên, nếu như thực sự diễn ra đối thoại giữa hai nước, thì cơ hội về một kết quả khả quan vẫn khá mờ mịt.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Quản lý súng đạn - Mỹ nên học các nước nào?
Quản lý súng đạn - Mỹ nên học các nước nào?

Không giống Mỹ, cơ quan lập pháp các nước dưới đây đều có phản ứng ngay, bằng cách thay đổi luật quản lý súng đạn nhằm ngăn chặn chuyện xấu tiếp diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN