Theo hãng tin Reuters (Anh), các dữ liệu chính thức cho thấy Omicron đã xuất hiện ở Cuba từ tháng 12/2021, nhưng số ca nhiễm biến thể này không đạt mức tăng đột biến như ở nhiều quốc gia khác. Kể từ đó, số ca mắc mới ở quốc đảo vùng Caribe đã giảm hơn 80% và số ca tử vong vẫn ở mức khoảng 10%, thậm chí có thời điểm thấp hơn so với mức đỉnh dịch.
Trên toàn cầu, Omicron được biết đến là biến thể có mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng Delta, nhưng có ít khả năng gây ra các triệu chứng nặng hơn. Các nhà khoa học cho biết điều này giúp giải thích sự khác biệt giữa số ca mắc bệnh và nhập viện ở nhiều quốc gia.
Nhà virus học Amilcar Perez Riverol tại Brazil cho biết mặc dù số trường hợp mắc bệnh khác nhau ở từng quốc gia do phụ thuộc vào tỉ lệ xét nghiệm, nhưng dường như Omicron đã phải chật vật hơn trong việc lây lan cho người dân Cuba, hay làm tăng tỉ lệ tử vong hoặc bệnh nặng tại quốc gia này. “Dường như Omicron sẽ không gây tác động nặng nề như biến chủng Delta và cũng như không gây áp lực cho hệ thống y tế Cuba như như ở các quốc gia khác,” ông Riverol nói.
Tại nhiều quốc gia, trẻ nhỏ đặc biệt trở nên dễ tổn thương trước làn sóng dịch do Omicron khi một số loại vaccine COVID-19 - trong đó có vaccine của hãng dược Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson - vẫn chưa được giới chức y tế toàn cầu phê duyệt cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong khi đó ở Cuba, giới chức từ lâu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ miễn phí toàn dân chú trọng đến các phương pháp phòng bệnh, như tiêm phòng cho trẻ em. Cuba đã tự phát triển vaccine nội địa và đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Theo dữ liệu chính thức của Cuba, các nhân viên y tế trên quốc đảo Caribe đã tiêm chủng đầy đủ cho 1,8 triệu trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, tương đương 96% tổng số trẻ em của nước này, mà không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ông Eduardo Martinez, Chủ tịch Công ty Dược phẩm nhà nước BioCubaFarma, nói rằng chiến dịch tiêm chủng này đã giúp Cuba trở nên khác biệt so với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống lại Omicron. “Ở những nơi khác trên thế giới, virus đang lưu hành nhiều hơn trong nhóm trẻ em, nhưng điều đó không xảy ra ở Cuba”, ông nói.
Các chuyên gia trong nước và thế giới nhận định chiến dịch tiêm chủng rộng khắp cả nước, chú trọng tiêm chủng sớm cho trẻ em, cùng chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường nhanh chóng, và mức độ “miễn dịch lai” - kết hợp giữa miễn dịch do từng mắc bệnh trong các đợt bùng dịch trước đó và tiêm chủng, là những yếu tố đã giúp Cuba ngăn chặn thành công làn sóng Omicron.
Vượt xa nhiều quốc gia giàu có hơn, Cuba đã trở thành một trong những nơi có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất hành tinh. Theo dữ liệu của Our World in Data, Cuba đã tiêm chủng đầy đủ cho 87% tổng dân số và gần 94% đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19. Quốc đảo Caribe này trở thành 1 trong số 3 quốc gia trên 1 triệu dân toàn thế giới có thành tích tiêm chủng đáng kinh ngạc này.
Ngành công nghệ sinh học uy tín của Cuba đã phát triển 5 loại vaccine COVID-19 nội địa khác nhau - trong đó có vaccine Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus - tất cả đều cung cấp tới 90% khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 khi tiêm 3 liều, theo dữ liệu của các cơ quan y tế Cuba.
Ông John Kirk, giáo sư nghiên cứu về các nước Mỹ Latinh tại Đại học Dalhousie ở Canada, nhận định: “Sự thành công của một đất nước nhỏ bé trong việc sản xuất vaccine và tiêm phòng cho trên 90% dân số là điều phi thường”.