Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza?

Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc là quy tắc hiếm khi được sử dụng, cho phép Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi hòa bình lên Hội đồng Bảo an.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera, ngày 6/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã viện dẫn Điều 99 nói trên trong một động thái hiếm hoi nhằm chính thức cảnh báo Hội đồng Bảo an về mối đe dọa toàn cầu từ cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Ông Guterres đã kêu gọi ngừng bắn vì lý do nhân đạo ngay lập tức từ ngày 18/10. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an vẫn chưa thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn, trong bối cảnh có sự khác biệt giữa các thành viên thường trực. Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết, còn Nga đã chặn một nghị quyết khác.

Vậy Điều 99 là gì và điều này có sức mạnh thực sự nào để ngăn chặn cuộc chiến này không?

Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc

Đó là một quyền lực đặc biệt và là công cụ chính trị độc lập duy nhất được trao cho tổng thư ký theo Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 99 cho phép ông tự mình triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa mới đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như các vấn đề chưa có trong chương trình nghị sự của hội đồng này.

Tại Điều 99, Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ: “Tổng thư ký có thể khiến Hội đồng Bảo an chú ý đến vấn đề mà theo quan điểm của ông có thể đe dọa việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Bây giờ, ông Guterres sẽ có quyền phát biểu tại Hội đồng Bảo an mà không cần phải được một quốc gia thành viên mời phát biểu như thường lệ.

Lý do ông Guterres viện dẫn Điều 99

Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an công bố ngày 6/12, ông Guterres cho biết việc Hội đồng Bảo an tiếp tục thiếu hành động và tình hình ngày càng xấu đi ở Gaza đã buộc ông phải viện dẫn Điều 99 lần đầu tiên kể từ khi ông đảm nhận chức vụ cao nhất tại Liên hợp quốc vào năm 2017.

Ít nhất 16.248 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng và trên 7.600 người mất tích.

Ông cảnh báo trật tự công cộng ở Gaza có thể sớm bị phá vỡ trong bối cảnh hệ thống nhân đạo sụp đổ hoàn toàn, không có biện pháp bảo vệ cho dân thường và không nơi nào an toàn ở Gaza.

Điều 99 có thể chấm dứt xung đột Gaza?

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 1/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Được coi là cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nếu họ chọn hành động theo lời khuyên của Tổng thư ký Guterres và thông qua nghị quyết ngừng bắn, thì Điều 99 có thể chấm dứt xung đột ở Gaza. Hội đồng Bảo an sẽ có thêm quyền hạn để đảm bảo giải pháp được thực thi, gồm cả quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc cho phép triển khai lực lượng quốc tế.

Dù vậy, Điều 99 không trao cho ông Guterres quyền hạn nào để buộc Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết.

Ông Anthony Arend, Giáo sư tại Đại học Georgetown, nhận định với kênh Al Jazeera: “Tổng thư ký có thể buộc Hội đồng Bảo an phải tổ chức thảo luận. Ông có thể kéo các bên lại với nhau và khuyến khích họ đạt được một số thỏa hiệp. Nhưng do quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, cách duy nhất để Hội đồng Bảo an có thể thông qua một giải pháp thực chất về vấn đề này là cả 5 thành viên thường trực không phủ quyết”.

Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp nắm giữ quyền phủ quyết này. Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết vào ngày 18/10. 12 thành viên khác đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi Nga và Anh bỏ phiếu trắng.

Những lần Điều 99 được viện dẫn trước đây

Trước đây, chỉ có 4 lần Điều 99 được sử dụng: ở Congo (1960), Đông Pakistan (1971), Iran (1979) và Liban (1989).

Tháng 7/1960 ở Congo: Sau khi chính phủ Congo yêu cầu Liên hợp quốc hỗ trợ quân sự để bảo vệ nước này trước lực lượng Bỉ, Tổng thư ký khi đó Dag Hammarskjold đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp vì theo quan điểm của ông, vấn đề này có thể đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Tháng 12/1971 ở Đông Pakistan: Ngày 6/12, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric đề cập đến thời điểm Tổng thư ký lúc đó là U Thant viện dẫn Điều 99. Ông U Thant yêu cầu Hội đồng Bảo an can thiệp vào cuộc chiến ở khu vực lúc đó được gọi là Đông Pakistan và hiện nay là Bangladesh.

Tháng 12/1979 tại Iran: Tổng thư ký khi đó là nhà ngoại giao người Áo Kurt Waldheim đã sử dụng Điều 99 vào ngày 4/12/1979, khi 52 người Mỹ bị các tay súng Iran bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran sau Cách mạng Hồi giáo ở Iran.

Tháng 8/1989 tại Liban: Tổng thư ký khi đó là ông Javier Perez de Cuellar đã sử dụng Điều 99 để kêu gọi ngừng bắn trong cuộc nội chiến đang leo thang ở Liban.

Ban đầu, Điều 99 có mục đích của một công cụ phòng ngừa, hơi giống một hệ thống cảnh báo. Điều này thường được sử dụng để ngăn chặn xung đột leo thang, nhưng như trong cuộc chiến ở Gaza hiện nay, điều khoản này cũng đã được sử dụng sau khi xung đột đã leo thang.

Ông Daniel Forti, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận định: “Thực tế là công cụ này đã không được sử dụng kể từ năm 1989 cho thấy công cụ này mang tính ngoại giao và tượng trưng ở New York”.

Hiệu quả của Điều 99 trước đây

Việc sử dụng Điều 99 trước đây đã mang lại những kết quả khác nhau, mặc dù chưa bao giờ thực sự mang lại hòa bình.

Theo ông Forti, đó là vì sự can thiệp của tổng thư ký không thay đổi căn bản tính toán chính trị của các thành viên quyền lực nhất của Hội đồng Bảo an.

Ví dụ, vào năm 1960, sau khi viện dẫn điều khoản này, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 143, kêu gọi Bỉ bắt đầu rút quân. Hội đồng Bảo an cũng cử lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rút quân.

Nhưng với trường hợp Congo, chiến tranh vẫn tiếp diễn, Thủ tướng Patrice Lumumba bị ám sát, và cuộc khủng hoảng của đất nước này ngày càng trầm trọng trong những năm sau đó.

Hội đồng Bảo an cũng ra lời kêu gọi thả con tin người Mỹ vào năm 1979 và Tổng thư ký Waldheim được ủy quyền thực hiện mọi biện pháp thích hợp. Nhưng các con tin đã bị giam giữ trong 444 ngày, trong đó có hai người thiệt mạng. Số còn lại chỉ được thả sau khi Hiệp định Algiers được ký kết vào năm 1981.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi tất cả các bên ở Liban nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn vào năm 1989, sau khi Điều 99 được sử dụng khi đó, nhưng cuộc xung đột vẫn tiếp tục.

Trong trường hợp xung đột hiện nay ở Gaza, Mỹ cho đến nay vẫn kiên quyết phản đối nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an và có rất ít bằng chứng cho thấy quan điểm của Mỹ đã thay đổi.

Phản ứng của Israel

Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan không hoan nghênh động thái này của Tổng thư ký Guterres. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Erdan mô tả bức thư là bằng chứng nữa cho thấy thành kiến của ông Guterres đối với Israel. Ông Erdan nói: “Lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thư ký thực chất là lời kêu gọi duy trì chế độ khủng bố của Hamas ở Gaza”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhìn lại hai tháng thế giới chia rẽ vì cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza
Nhìn lại hai tháng thế giới chia rẽ vì cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza

Cuộc chiến đã chia rẽ thế giới giữa một bên là những quốc gia kêu gọi ngừng bắn, những quốc gia ủng hộ Israel và một số quốc gia trung lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN