Thiết giáp của Bundeswehr, lực lượng vũ trang Đức. Ảnh: Getty Images
Đáp trả lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, người tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng tiêu diệt binh sĩ Nga; người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/7 bình luận rằng: Đức đang "trở nên nguy hiểm trở lại".
Phát biểu với nhật báo kinh doanh RBK, ông Peskov cho biết, thật khó tin khi ông Pistorius thực sự đưa ra những tuyên bố như vậy. "Nhưng thật đáng tiếc, điều này lại là sự thật", đài RT dẫn lời ông Peskvov nói, "Nước Đức đang nguy hiểm trở lại".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius đã đưa ra những bình luận mang hơi hướng chiến tranh trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times được công bố hôm 13/7, ca ngợi tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội Đức và quyết "hành động gây chết người" nếu cần thiết.
"Nếu biện pháp răn đe không hiệu quả và Nga tấn công, liệu điều đó có xảy ra không? Có chứ", ông Pistorius nói. "Nhưng tôi khuyên anh nên đến Vilnius và nói chuyện với đại diện của lữ đoàn Đức ở đó. Họ biết chính xác nhiệm vụ của mình là gì”.
Bất kỳ cuộc đàm phán nào về hòa bình cũng chỉ có thể diễn ra "trên cơ sở bình đẳng" và "trên lập trường sức mạnh", ông Pistorius khẳng định.
“Không phải để đe dọa bất kỳ ai, mà để chứng minh rõ ràng rằng chúng tôi biết mình có thể làm gì — chúng tôi muốn chung sống hòa bình với các bạn, nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi yếu đuối hay không thể tự vệ”, ông nói thêm.
Mặc dù Berlin không tìm cách "đe dọa bất kỳ ai", nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói thêm rằng không nên "nghĩ rằng chúng tôi yếu đuối hoặc không tự vệ".
Mối đe dọa mà phương Tây cho là từ Nga từ lâu đã là một trong những chủ đề thảo luận chính của nhiều quan chức từ các nước NATO. Trong khi đó, Moskva đã nhiều lần bác bỏ suy đoán rằng Nga có kế hoạch tấn công khối do Mỹ dẫn đầu là "vô lý".
Tháng trước, ông Peskov cho rằng NATO chỉ cần một "con quái vật" để biện minh cho sự tồn tại và chi phí quốc phòng ngày càng tăng của mình. "Họ đã biến Nga thành một con quái vật để biện minh cho quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của NATO lên 5% GDP", người phát ngôn Điện Kremlin cho biết vào thời điểm đó.
Ông Peskov cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Friedrich Merz là “một người biện hộ mạnh mẽ cho sự đối đầu với Nga”, cáo buộc ông này “tích cực khích động châu Âu”.
Cũng theo RT, Đức hiện đang tranh luận về khả năng khôi phục một số hình thức nghĩa vụ quân sự để tăng cường quân đội trong trường hợp không đủ quân tình nguyện.
Mới đây, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi một cuộc tranh luận toàn quốc về việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự, nhấn mạnh rằng, Berlin cần củng cố lực lượng vũ trang, trong bối cảnh mà ông mô tả là các mối đe dọa an ninh đang leo thang ở châu Âu.
Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã bị đình chỉ tại Đức vào năm 2011. Mặc dù không còn hiệu lực, khuôn khổ pháp lý cho chế độ nghĩa vụ quân sự vẫn còn nguyên vẹn và có thể được khôi phục lại chỉ bằng đa số phiếu trong quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự toàn diện, bao gồm cả phụ nữ, sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp.
Tổng thống Steinmeier cho biết Đức phải chuẩn bị cho khả năng chế độ nghĩa vụ quân sự tự nguyện sẽ không đáp ứng được nhu cầu nhân sự cho quân đội.
“Tôi ủng hộ chế độ nghĩa vụ quân sự vì tôi tin rằng với tình hình an ninh đang thay đổi ở châu Âu, với việc một cuộc chiến đang diễn ra, và với những kết luận mà chúng ta rút ra từ đó để bảo vệ bản thân tốt hơn, thì trang bị quân sự của Bundeswehr cũng cần được điều chỉnh”, ông Steinmeier nói.
Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về việc mở rộng quân số và tạo ra một hệ thống nghĩa vụ quân sự dự phòng. Kế hoạch này đặt mục tiêu tuyển dụng khoảng 5.000 tân binh tình nguyện mỗi năm, tăng lên 30.000 vào năm 2029.
Một dự luật đang được chuẩn bị để nội các xem xét vào tháng 8 và có thể được ban hành vào đầu năm 2026, bao gồm các điều khoản tự động tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự nếu số lượng tân binh tình nguyện không đủ.