Trong một phát biểu đưa ra ngày 3/12, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng quyết định của Mỹ gửi thêm gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine cho thấy chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden quyết tâm làm leo thang chiến tranh ở Ukraine để đảm bảo xung đột tiếp tục kéo dài.
Ông Peskov nhấn mạnh việc này nằm trong đường lối nhất quán của chính quyền Biden là ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine giảm nhiệt và làm mọi điều để có thể tiếp tục đổ dầu vào lửa.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin, gói viện trợ này cũng như tất cả các gói viện trợ khác đều không thể thay đổi diễn biến tình hình, không thể thay đổi được tình hình trên các mặt trận.
Xem video người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 3/12/204 nói rằng quyết định của Mỹ gửi thêm gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine cho thấy chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden quyết tâm làm leo thang chiến tranh ở Ukraine để đảm bảo xung đột tiếp tục kéo dài. Nguồn: Reuters
Trước đó vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine.
Động thái này nhằm củng cố năng lực phòng thủ của Kiev trong cuộc xung đột kéo dài với Liên bang Nga.
Gói viện trợ bao gồm nhiều loại khí tài như tên lửa Stinger, đạn dược cho hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), thiết bị bay không người lái (UAV) và mìn chống bộ binh.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Mỹ xuất khẩu mìn chống bộ binh – một loại vũ khí gây tranh cãi do tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho dân thường.
Dù hơn 160 quốc gia đã ký hiệp ước cấm sử dụng loại vũ khí này, Ukraine đã kêu gọi viện trợ kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
Mìn chống bộ binh mà Mỹ cung cấp được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ lâu dài với cơ chế tự hủy sau thời gian ngắn, khiến chúng trở nên vô hại sau khi hết thời gian hoạt động.
Nhưng dù sao, giới phân tích vẫn cho rằng đây được xem là bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 vừa qua.
Ông Trump từng chỉ trích quy mô viện trợ của chính quyền Biden và có thể thay đổi chiến lược đối với Ukraine.
Xem video lực lượng cứu hộ ở khu vực Ternopil làm việc tại hiện trường hôm 3/12/2024 sau khi thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở đây, khiến một phần thành phố mất điện. Nguồn: Cơ quan Cứu hộ Khẩn cấp Quốc gia Ukraine tại khu vực Ternopil/Reuters
Theo thống kê của Lầu Năm Góc, tổng số tiền viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vượt quá 62 tỷ USD, tính riêng từ khi Liên bang Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine là 61,4 tỷ USD.
Thông cáo cho hay: “Mỹ đã cung cấp hơn 62 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi bắt đầu chính quyền Biden” và kể từ ngày 24/2/2022 tổng số tiền viện trợ lên tới 61,4 tỷ USD.
Về phía Ukraine, một nguồn tin quân sự trong NATO tiết lộ với hãng tin ANSA của Italy rằng Ukraine đã thông báo với các đồng minh phương Tây là nước này cần ít nhất 120 tỷ USD để tiếp tục chiến dịch quân sự trong năm 2025, cao hơn nhiều so với mức 40 tỷ euro (42 tỷ USD) đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.
Nguồn tin cho biết vấn đề trên có thể được thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine diễn ra tại Brussels trong ngày 3/12 với sự tham dự của Ngoại trưởng Ukraine.
Hiện chưa rõ liệu Kiev có coi 50 tỷ USD từ tài sản Liên bang Nga bị đóng băng mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng ý phân bổ cho Ukraine là một phần của khoản tiền này hay không.
Nguồn tin cũng lưu ý rằng Ukraine sẽ không nhận được lời mời chính thức từ NATO trong tương lai gần, vì các Ngoại trưởng NATO không thể đưa ra khuyến nghị trước khi đạt được thỏa thuận giữa những người đứng đầu chính phủ.
Theo nguồn tin, việc điều quân NATO tới Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự, mặc dù một số nước châu Âu đang cân nhắc ý tưởng này.