Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro phát biểu tại một sự kiện ở Caracas ngày 29/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Tổng thống Tareck El Aissami - người đang đứng đầu một ủy ban chuyên trách việc tái cơ cấu nợ công của Venezuela, vừa được thành lập nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, cho biết, tại hội nghị sắp tới, Chính phủ Venezuela muốn tìm kiếm các cam kết chính phủ về tái đàm phán thời hạn thanh toán nợ nước ngoài của Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Trong một tuyên bố được truyền hình, ông Aissami cũng cho biết, từ năm 2014, Venezuela đã trả gần 72 tỷ USD tiền nợ (bao gồm lãi).
Theo ước tính, trong số nợ hiện nay của Venezuela có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA. Hầu hết các khoản nợ Trung Quốc (23 tỷ USD) và Nga (8 tỷ USD) sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ. Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính, chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.
Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh đã khiến Venezuela lâm vào khủng hoảng kinh tế trong năm qua, dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu suy giảm vì cơ sở hạ tầng của PDVSA đã xuống cấp nghiêm trọng. Lượng dự trữ ngoại tệ của nước này hiện chỉ còn 10 tỷ USD.
Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đang ngày càng lo ngại nguy cơ Venezuela vỡ nợ, trong khi các chuyên gia phân tích không mấy tin tưởng về khả năng tái cơ cấu nợ thành công. Hãng Standard & Poor's ngày 3/11 đã hạ xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn của Venezuela từ mức "CCC" xuống mức "CC", đồng nghĩa với một cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, hãng Fitch cắt xếp hạng nợ dài hạn của nước này từ mức "CC" xuống mức "C", mức xếp hạng cho thấy nguy cơ vỡ nợ đang ở rất gần, dựa trên "những lần không trả nợ trước đó".
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Venezuela đã chứng kiến tăng trưởng âm, ở mức -36% trong bốn năm qua. Dự báo tình trạng siêu lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn, có thể vượt 2.300% vào năm tới.
Ngày 3/11, IMF đã khiển trách Venezuela vì không cung cấp các số liệu kinh tế như yêu cầu đối với tất cả 189 thành viên của quỹ. IMF đã không thể tiến hành các đánh giá thường niên về nền kinh tế Venezuela trong suốt 13 năm. Quốc gia Nam Mỹ này hiện là một thành viên IMF, song trong hơn một thập niên qua, nhưng Caracas không có kênh tiếp xúc chính thức nào với thể chế tài chính toàn cầu này.
Trong một tuyên bố, ban lãnh đạo IMF bày tỏ hy vọng "quyết định trên sẽ hối thúc chính quyền Venezuela tái cam kết với quỹ" thông qua việc cung cấp các số liệu kinh tế kịp thời và định kỳ, cũng như việc nối lại hoạt động tham vấn giữa hai bên. IMF nhấn mạnh việc tái cam kết như vậy sẽ có lợi cho Venezuela và cộng đồng quốc tế.
Theo kế hoạch, IMF sẽ nhóm họp lại trong vòng sáu tháng tới để "đánh giá về tiến bộ thực hiện của Venezuela" trong việc lập số liệu và cung cấp cho quỹ.