Dịch bệnh COVID-19 tới nay đã xuất hiện tại 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24h qua đã có thêm 1.063 người thiệt mạng (một kỷ lục tính theo ngày) và 25.793 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới lên trên 244.615 người, trong đó có 10.014 ca tử vong. Tới nay, cũng đã có 87.407 người được điều trị thành công và phục hồi.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 19/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo có thể hàng triệu người trên thế giới sẽ mất mạng vì COVID-19, đặc biệt tại những nước nghèo, nếu không có một nỗ lực phối hợp toàn cầu qui mô để đối phó với đại dịch này.
Theo Tổng thư ký Guterres, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe con người nghiêm trọng nhất trong vòng 75 năm qua và nguy cơ một cuộc suy thoái “đã cận kề”. Ông hối thúc các chính phủ thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với nỗ lực đa phương do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại chủng virus Corona mới này”.
Ngày 19/3-rạng sáng 20/3, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Châu Âu, và đặc biệt là Italy, tiếp tục là “tâm dịch” khi tình hình chưa có nhiều cải thiện.
Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong vòng 24h qua, nước này đã ghi nhận thêm 427 người thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người tử vong tới thời điểm này lên 3.405. Tới ngày 19/3, Italy đã có 41.035 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5.322 ca mới và 2.498 đang trong tình trạng nguy kịch. Quốc gia Nam Âu này chính là "tâm dịch" mới của châu Âu và thế giới.
Như vậy, số nạn nhân chết vì dịch COVID-19 tại Italy đã vượt qua Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh này. Tính tới ngày 19/3, Trung Quốc ghi nhận 3.245 trường hợp tử vong và nước này đã tuyên bố đi qua giai đoạn đỉnh dịch khi số ca nhiễm mới và tử vong liên tục giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Lần đầu tiên, số ca tử vong do căn bệnh này tại châu Âu đã vượt số ca tử vong ở châu Á và danh sách các nước có ca tử vong đầu tiên đã có thêm Nga, Croatia, Mexico, Cuba, Costa Rica. Trong khi Nicaragua, El Salvador và Fiji có ca đầu tiên mắc bệnh.
Sau Italy, Tây Ban Nha hiện là ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu. Nước này thông báo đã ghi nhận thêm 209 ca tử vong mới trong vòng 24h qua, nâng tổng số trường hợp không quả khỏi do mắc bệnh COVID-19 tại đây lên 831 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-COV-2 cũng tăng hơn 25% so với một ngày trước đó lên 18.077 ca.
Đức có thêm 2.993 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 15.320 người, trong đó tổng số ca tử vong là 44 người.
Pháp trong ngày 19/3 cũng ghi nhận thêm 108 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 3.308 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 372 người và số bệnh nhân lên 10.095 người.
Dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng xấu tại Vương quốc Anh với 40 ca tử vong mới. Tính tới nay, “đảo quốc sương mù” đã có tổng cộng 144 người tử vong và 3.269 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Thủ tướng nước này Boris Johnson đã tuyên bố tất cả các trường học trên cả nước, từ phổ thông đến đại học, sẽ đóng cửa từ ngày 20/3. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là biện pháp tăng cường cần thiết do số người mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 đang gia tăng nhanh.
Trong phát biểu tối 19/3 (theo giờ địa phương) tại Văn phòng Thủ tướng số 10 Phố Downing, Thủ tướng Johnson khẳng định nước Anh có thể “đảo ngược tình thế” trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 trong vòng 3 tháng tới. Dù vậy, ông cũng thừa nhận không biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu. Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Johnson cho hay Anh có thể sẽ thử nghiệm vaccine chống virus SARS-CoV-2 trong vòng một tháng tới.
Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng kêu gọi các doanh nghiệp bảo vệ và chăm lo cho người lao động của mình, đồng thời cho biết trong ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Anh sẽ công bố tiếp các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh. Chính phủ Anh sẽ dành riêng một khoản ngân sách trị giá 3 tỉ bảng cho các dịch vụ cộng đồng, với mục tiêu giải phóng thêm ít nhất 15.000 giường trống trong các bệnh viện cùng nguồn nhân lực tập trung đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, tại Bỉ - nơi đặt trụ sở của EU, người phát ngôn Bộ Y tế Bỉ thông báo nước này đã ghi nhận thêm 309 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 19/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 1.795 người và số người tử vong tại Bỉ hiện đã lên tới 21 người.
Thụy Sĩ cũng chứng kiến sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19. Tới đêm 19/3, quốc gia này đã ghi nhận 3.944 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 41 người tử vong. Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, với mục đích tăng cường phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã lên kế hoạch hành động trên nguyên tắc quán triệt thực hiện phòng chống COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, các đơn vị chức năng và quy định của nước sở tại. Lãnh đạo Phái đoàn tiến hành phân công các nhóm để phối hợp, xử lý trong các tình huống khẩn cấp như đưa đi khám bệnh, nhập viện, sơ tán, đưa ra sân bay về nước, hỗ trợ cộng đồng người Việt…
Tại châu Á, dịch bệnh có xu thế “hạ nhiệt” hơn. Tuy nhiên, Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông. Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi thông báo số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Hồi giáo này đã lên tới 1.284 người, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 18.407 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, trung bình cứ mỗi 10 phút lại có 1 người tử vong do COVID-19 và cứ mỗi 1 giờ lại có 50 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính phủ Iran đã quyết định đóng cửa tất cả trường học và trường đại học, cũng như cấm các sự kiện thể thao, văn hóa và tôn giáo tụ tập đông người.
Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh hồi trung tuần tháng 12/2019, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 20/3 cho biết tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở miền Trung Trung Quốc, không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày 19/3. Đây là ngày thứ hai liên tiếp tỉnh này không có ca nhiễm mới. Số ca tử vong tại tỉnh này trong ngày 19/3 là 2 ca, giảm đáng kể so với 8 ca ghi nhận trong ngày 18/3. Theo NHC, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 19/3 là 80.967 người, trong đó số ca nhiễm từ nước ngoài là 228 ca, tăng 39 ca so với ngày 18/3. Trong ngày 19/3 chỉ có 3 ca tử vong được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, nâng tổng số ca tử vong tại đại lục lên 3.245 người.
Cũng trong ngày 19/3, Bộ Y tế Nhật Bản và các chính quyền địa phương thông báo tính tới 18h30' tối 19/3 theo giờ địa phương, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 923 ca, trong khi số ca tử vong là 32 ca. Theo bộ trên, hiện có 61 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch phải thở máy và chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, tổng cộng 766 người đã được xuất viện.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn, song hiện còn quá sớm để khẳng định Hàn Quốc đã hoàn toàn không chế được dịch bệnh COVID-19. Số người nhiễm mới và tử vong trong những ngày gần đây ở Hàn Quốc đang có xu hướng giảm dần.
Theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc giảm tốc lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đó là chương trình xét nghiệm rộng khắp và triệt để. Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc là cao nhất thế giới. Với việc tiến hành 15.000 ca xét nghiệm/ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã xét nghiệm sức khỏe của khoảng 250.000 người từ tháng 1 tới nay, tức cứ 200 người Hàn Quốc thì có 1 người được xét nghiệm.
Trong ngày 19/3, Hàn Quốc công bố thêm 152 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh COVID-19 lên 8.565 người và số trường hợp tử vong đến nay là 91 ca.
Các nước châu Mỹ đang chứng kiến diễn biến dịch xấu đi và lan nhanh trong 24h qua.
Ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo nước này sẽ ngừng dịch vụ cấp thị thực bình thường tại phần lớn các quốc gia do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông báo nêu rõ các đại sứ quán và lãnh sự tại hầu hết các quốc gia sẽ hủy các buổi hẹn cấp thị thực bình thường cho người nhập cư và những người không nhập cư từ ngày 18/3 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ quốc gia nào nằm ngoài danh sách bị đình chỉ dịch vụ này.
Tổng thống Donald Trump cũng đã điều siêu tàu bệnh viện quân sự 1.000 giường bệnh tới cảng New York nhằm hỗ trợ tiểu bang này đối phó với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng với số ca nhiễm tăng quá nhanh. Trên toàn liên bang, Mỹ ghi nhận 11.355 ca mắc COVID-19, trong đó có 171 người tử vong.
Tiểu bang Washington cũng đã có thông báo về 2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì COVID-19. Đây có thể là những người gốc Việt đầu tiên tử vong do virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Thông tin về hai trường hợp này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận.
Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946, tử vong ngày 16/3 theo giờ Mỹ tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Mỹ. Người này được phát hiện có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một trại dưỡng lão ngày 9/3, sau đó được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bệnh nhân tử vong sau một tuần nhập viện. Bệnh nhân thứ hai là một người cao tuổi khiếm thị, sống tại một viện dưỡng lão cũng ở tiểu bang Washington. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt từ thứ 5 tuần trước và sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2. Mặc dù bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện để chữa trị nhưng qua đời sau đó 24 giờ.
Brazil ngày 19/3 đã tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ với hầu hết các quốc gia láng giềng để ngăn chặn tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2. Lệnh hạn chế này sẽ kéo dài 15 ngày. Tuyên bố của Chánh văn phòng tổng thống Brazil cho biết, Brasilia sẽ đình chỉ hoạt động nhập cảnh thông qua đường bộ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, ngoại trừ Uruguay ở phía Nam.
Lệnh hạn chế sẽ không áp dụng đối với những người nước ngoài thường trú tại Brazil, các nhà ngoại giao và quan chức các tổ chức quốc tế cũng như các xe tải chở hàng hóa. Trước đó, Brazil hôm 17/3 đã đóng cửa biên giới với Venezuela.
Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục nỗ lực hết sức để kiềm chế dịch bệnh COVID-19 lây lan trong nước và ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài.
Malaysia đến ngày 19/3 vẫn là nước ASEAN có ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất với 900 ca, trong đó 2 ca tử vong, buộc nước này phải phong tỏa toàn quốc. Dù virus lây lan nhanh nhưng trong ngày đầu tiên thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), mới chỉ có khoảng 60% người dân Malaysia chấp hành. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nếu tình hình không chuyển biến, kể cả khi số người chấp hành tăng lên đến 70%, khả năng lớn là sẽ huy động quân đội nhập cuộc.
Trong khi đó, Thái Lan xác nhận thêm 60 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 272. Đây cũng là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 19/3 tại Thái Lan chia làm hai nhóm, gồm nhóm 43 ca có liên quan tới các ca nhiễm đã được xác nhận trước đó và nhóm còn lại 17 ca là những người đến từ các quốc gia Italy, Malaysia, Nhật Bản, Iran và Đài Loan (Trung Quốc). Tới nay, Thái Lan ghi nhận 1 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.
Indonesia đang chứng kiến tình trạng dịch bệnh bùng phát chính ở thủ đô, nơi có tỷ lệ từ vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất cả nước. Phát biểu với báo giới ngày 19/3, Cục trưởng Cục Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh của Bộ Y tế Indonesia - ông Achmad Yurianto - cho biết số trường hợp mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 309 người, trong đó tại thủ đô Jakarta có 210 người. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 25 người, trong đó có tới 68% số ca tử vong được ghi nhận tại thủ đô Jakarta.
Bộ Y tế Philippines cũng xác nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 217 ca. Hiện hơn 50% dân số quốc gia này đang trong giai đoạn đầu của giai đoạn hạn chế đi lại kéo dài một tháng.
Trong khi đó, Lào và Myanmar là hai nước thành viên ASEAN chưa ghi nhận ca mắc bệnh COVID-19 nào. Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 19/3 ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith cho biết tất cả các ca nghi mắc COVID-19 tại Lào đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Những thông tin trên các mạng xã hội về việc Lào đã có người mắc COVID-19 trong những ngày qua đều là tin giả. Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi cũng xác nhận nước này chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào.