Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (47.774 ca), Ấn Độ (47.009 ca) và Mỹ (trên 37.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.186 ca), Mexico (608 ca) và Mỹ (437 ca).
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Brazil nghiêm trọng nhất khi số ca mắc và ca tử vong hàng ngày đều ở mức cao nhất thế giới. Nước này đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch, chỉ sau Mỹ.
Châu Á
Nhật Bản cân nhắc yêu cầu người nhập cảnh xét nghiệm biến thể mới
Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu tất cả khách nước ngoài tới nước này phải xét nghiệm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong hệ thống hiện tại, tất cả những người đến Nhật Bản từ 24 nước có ca nhiễm các biến thể mới phải làm thêm xét nghiệm sau khi nhập cảnh 3 ngày. Nhà chức trách cũng giám sát chặt chẽ việc những người này thực hiện tự cách ly trong 14 ngày.
Phát biểu ngày 21/3 trên đài truyền hình NHK về sự cần thiết phải thắt chặt kiểm soát biên giới, Bộ trưởng y tế Norihisa Tamura cho biết chính phủ đang cân nhắc ký hợp đồng với các công ty an ninh tư nhân để giám sát những người phải tự cách ly.
Trước đó, ngày 20/3, Nhật Bản đã thêm 7 nước vào danh sách cần thắt chặt hạn chế nhập cảnh, chủ yếu là các nước châu Âu. Quy định này áp dụng với những người Nhật và người nước ngoài từng qua các nước Estonia, CH Séc, Pakistan, Hungary, Ba Lan, Luxembourg và Liban.
Liên quan đến Olympic và Paralympic, cùng với việc quyết định không cho phép khán giả nước ngoài tới Nhật Bản xem các trận thi đấu, cơ quan chức năng Nhật Bản cũng đang đề nghị chính phủ các nước hạn chế số lượng thành viên đoàn quan chức cấp cao tới dự lễ khai mạc và bế mạc sự kiện thể thao trọng đại này.
Thủ tướng Pakistan dương tính với virus SARS-CoV-2
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, Thủ tướng Khan trong tình trạng sức khỏe tốt, ho và sốt nhẹ. Hiện ông đang tự cách ly ở nhà.
Thủ tướng Pakistan vừa tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 18/3. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sultan cho rằng nhiều khả năng thủ tướng đã nhiễm bệnh trước khi được tiêm phòng vaccine. Theo ông, người dân không nên liên hệ giữa việc thủ tướng nhiễm virus SARS-CoV-2 với việc tiêm vaccine. Phải mất từ 2-3 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2 vaccine, cơ thể mới tạo ra kháng thể.
Châu Âu
EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vì COVID-19
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra trong hai ngày 25-26/3 tới tại Brussels (Bỉ), sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba trong khu vực diễn biến phức tạp.
Trong thông báo ngày 21/3 trên Twitter, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Barend Leyts, cho biết quyết định trên được người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở các quốc gia thành viên EU.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh EU sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi ông Michel hủy hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vì dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao lo ngại lãnh đạo EU sẽ khó giải quyết các vấn đề ngoại giao nhạy cảm khi tiến hành họp thượng đỉnh trực tuyến.
Bộ trưởng Văn hóa Pháp thông báo mắc COVID-19
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang cách ly. Bộ trưởng Bachelot cho biết bà sẽ thường xuyên cập nhật tình trạng của bản thân.
Theo Bộ Y tế Pháp, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới và tử vong tăng thêm lần lượt là 30.581 ca và 138 ca. Như vậy, tính đến nay, đã có trên 4,28 triệu người mắc COVID-19 tại Pháp, trong đó có 92.305 trường hợp không qua khỏi.
Đức và Séc áp dụng quy định chặt chẽ với người nhập cảnh từ Ba Lan
CH Séc và Đức vừa đưa Ba Lan vào danh sách các quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất do có số ca nhiễm tăng mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, Chính phủ Đức đã xếp Ba Lan là "khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao". Như vậy, từ ngày 21/3, công dân Ba Lan chỉ được phép nhập cảnh vào Đức khi có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2.
Ngoài Ba Lan, danh sách các quốc gia có nguy cơ cao còn có Bulgaria và Cyprus. Cổng thông tin Deutsche Welle chỉ rõ cho đến nay Ba Lan vẫn là một khu vực rủi ro và người nhập cảnh cần thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ sau khi đến Đức.
Bộ Y tế Séc cũng đã xếp Ba Lan, Cyprus, Đan Mạch và Na Uy vào danh sách các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh cao nhất. Theo đó, công dân các nước này khi nhập cảnh Séc không chỉ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2, được thực hiện không quá 72 giờ trước khi đến, đồng thời còn phải cách ly và sau 5 ngày cách ly phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm. Sau cách ly 14 ngày kể từ khi nhập cảnh, ngay cả khi có kết quả âm tính người nhập cảnh vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2 hoặc loại có chất lượng cao hơn khi có tiếp xúc, dù ở bất cứ đâu.
Australia phê chuẩn sản xuất vaccine AstraZeneca trong nước
Các cơ quan y tế Australia cho biết giai đoạn hai của chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 22/3, với khoảng 6 triệu người dân nước này được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Giai đoạn hai của chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành cho các đối tượng từ 70 tuổi trở lên, thổ dân và người dân Đảo Torres từ 55 tuổi trở lên, người chưa đến 70 tuổi mắc các bệnh nền và các nhân viên y tế tuyến đầu.
Ngày 21/3, Cục Quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) thông báo đã phê chuẩn việc sản xuất trong nước vaccine AstraZeneca và dự kiến các liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp trong vài ngày tới, giúp Australia tránh phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại, Thư ký Bộ Y tế Australia Brendan Murphy bày tỏ hy vọng du lịch quốc tế có thể được khôi phục trong năm tới và chế độ cách ly tại khách sạn đang được áp dụng có thể được thay đổi. Ông Murphy cho rằng, khi ngày càng nhiều người dân Australia được tiêm chủng và ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng, chính phủ có thể xem xét việc giảm thời gian cách ly hoặc cho phép cách ly tại nhà nhiều hơn, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm chủng, vào nửa cuối năm nay.
Châu Mỹ
Mỹ: Thành phố Miami Beach áp đặt giới nghiêm dịp nghỉ Xuân
Giới chức bang Florida của Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Miami Beach nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp nghỉ Xuân, vốn thường có rất đông người tụ tập tiệc tùng tại thành phố biển này. Đây là năm thứ 2, hoạt động giải trí trong kỳ nghỉ Xuân ở thành phố này không được tổ chức như thường lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo quyết định của giới chức bang, các du khách không được xuống phố trong phòng 72 tiếng, nhà hàng tại các khu phố du lịch chính ở South Beach – trung tâm tiệc tùng cùa thành phố, sẽ phải đóng cửa từ 20h. Ba cây cầu nối đảo Miami Beach với thành phố Miami trên đất liền sẽ hoàn toàn bị phong tỏa trong thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau. Chỉ có cư dân đảo, người lao động và khách lưu trú trong khách sạn trên đảo được phép miễn trừ thực hiện lệnh này.
Việc giới chức bang Florida ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng lệnh giới nghiêm nói trên nhằm duy trì nỗ lực phòng tránh dịch bệnh. Hiện Mỹ đang đẩy mạnh chương trình xét nghiệm vaccine ngừa COVID-19, song số ca nhiễm mới tại nước này vẫn ở mức cao (trên 50.000 ca/ngày). Đến nay, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt 30 triệu ca, chiếm khoảng gần 1/4 số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Chile ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong 24 giờ
Ngày 20/3, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cách đây 1 năm, Chile ghi nhận số ca mắc bệnh kỷ lục trong một ngày với 7.084 trường hợp trong bối cảnh làn sóng dịch thứ hai đang lây lan mạnh ở quốc gia Nam Mỹ này.
Theo thông báo của Bộ Y tế Chile, số người được xác định mắc COVID-19 cao nhất trong 24 giờ trước đây được ghi nhận từ hồi tháng 6/2020. Đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Chile đã lên tới 931.939 người, trong đó có 22.279 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 tăng cao trong những ngày qua bất chấp việc chính phủ Chile đang triển khai một cách hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine đại trà cho người dân. Đến nay đã có khoảng 5,5 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine và dự kiến đến hết tháng 6/2021 sẽ có khoảng 80% trong tổng số 19 triệu dân nước này được tiêm vaccine.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Chile đã ban bố lệnh phong tỏa trở lại đối với nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn như Concepción, Valparaíso, La Serena và trung tâm thủ đô Santiago. Cùng với đó, khách nước ngoài đến Chile cũng bị bắt buộc phải cách ly trong thời gian 10 ngày, ngoại trừ khách đến từ Brazil sẽ phải cách ly 14 ngày. Biện pháp này sẽ có hiệu lực trong ít nhất một tháng tới.
Brazil đàm phán mua vaccine dư thừa của Mỹ
Bộ Y tế Brazil đang phối hợp với Đại sứ quán Brazil ở Washington đàm phán với Mỹ từ hôm 13/3 về khả năng nhập vaccine ngừa COVID-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Thượng viện Brazil Rodrigo Pacheco công bố bức thư ông gửi cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đề nghị cho phép Brazil được chấp thuận mua vaccine mà Mỹ đang có trong kho lưu dự trữ nhưng chưa sử dụng đến. Cụ thể, đó là số vaccine của công ty AstraZeneca và trường đại học Oxford phối hợp sản xuất, hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ nhưng đã được “bật đèn xanh” tại Brazil.
Brazil đang phải đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới khiến cho hệ thống bệnh viện và cơ sở y tế điều trị các bệnh nhân COVID-19 đang phải đối mặt với nguy cơ quá tải. Theo thống kê chính thức, Brazil đã ghi nhận gần 12 triệu ca mắc, trong đó có trên 294.000 trường hợp tử vong.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được khởi động từ giữa tháng 1 tại Brazil nhưng tiến độ diễn ra khá chậm khi đến nay mới chỉ có khoảng 5,5% trong tổng số 212 triệu dân nước này được tiêm mũi thứ nhất và chỉ 2% đã nhận được mũi vaccine thứ 2. Một số thành phố thậm chí phải tạm ngừng chương trình tiêm chủng do thiếu vaccine.
Cuba thông báo kế hoạch tiêm vaccine cho lực lượng ở tuyến đầu
Ngày 21/3, Cuba thông báo kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 150.000 nhân viên đang tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là một phần trong giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm loại vaccine tiềm năng Soberana 02 mà nước này đang nghiên cứu.
Theo thông báo, các liều tiêm sử dụng vaccine Soberana 2 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/3 và những đối tượng được ưu tiên là các nhân viên y tế và những người tham gia tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, qua Twitter, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca cho biết: "Cuba có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 150.000 người và trong thời điểm giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu vaccine cho thấy nó rất an toàn".
Trước đó, Cuba thông báo có 44.010 người trong độ tuổi từ 19 đến 80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng của vaccine Soberana 02. Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 02 sẽ trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung. Chính phủ Cuba trước đó cũng thông báo nước này có năng lực sản xuất 100 triệu liều kế hoạch tiêm chủng vaccine cho toàn bộ 11 triệu dân, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu và cung cấp cho khách du lịch.
Châu Phi: WHO cảnh báo Tunisia không mất cảnh giác về đại dịch
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại lớn ở Tunisia và ở mọi nơi trên khắp thế giới. Theo ông, số ca tử vong và nhập viện giảm trong thời gian gần đây cho thấy các biện pháp y tế công của Tunisia có hiệu quả, nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hiện không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác, ngay cả khi đã có vaccine.
Theo Bộ Y tế Tunisia, tính đến nay, Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 245.405 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8.526 người không qua khỏi. Nước này đã tiêm chủng cho ơn 5.500 người, chủ yếu là nhân viên y tế.