Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (216.850 ca), Mỹ (trên 70.000 ca) và Brazil (69.117 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (3.264 ca), Ấn Độ (1.183 ca) và Mỹ (859 ca).
Trong bối cảnh một số nước tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca do rủi ro gây đông máu, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge tái khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn lớn hơn so với những rủi ro.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Kluge nêu rõ: "Hãy làm rõ để không còn hoài nghi, vaccine AstraZeneca mang lại hiệu quả trong giảm số ca nhập viện do COVID-19 và ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng dẫn tới tử vong. WHO đã khuyến nghị tiêm vaccine này càng sớm càng tốt cho những người trưởng thành nhằm tăng sức đề kháng đối với virus SARS-CoV-2".
Quan chức WHO cũng chỉ ra rằng trong số 200 triệu người đã tiêm vaccine AstraZeneca, chỉ có rất ít ca mắc rối loạn đông máu hiếm gặp. Ông nhấn mạnh nguy cơ mắc đông máu ở những bệnh nhân COVID-19 cao hơn nhiều so với những người tiêm vaccine AstraZeneca.
Theo Giám đốc Kluge, 171 triệu liều thuộc 7 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm chủng ở châu Âu với gần 13% dân số châu Âu đã được tiêm một mũi vaccine và gần 6% đã được tiêm phòng đầy đủ.
Châu Á
Hàn Quốc ghi nhận 698 ca nhiễm mới
Hàn Quốc ngày 15/4 ghi nhận 698 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức khoảng 700 ca, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhà chức trách phải cân nhắc siết chặt các biện pháp phòng chống.
Trong số 698 ca nhiễm mới, có 670 ca lây truyền trong cộng đồng. Trước đó, ngày 14/4 Hàn Quốc ghi nhận 731 ca nhiễm mới - mức cao nhất tính từ ngày 7/1. Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tổng số ca nhiễm ở nước này hiện là 112.117 ca, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 1.788 ca, sau khi ghi nhận thêm 6 ca.
Giới chức y tế bày tỏ lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 4 khi người dân lơ là cảnh giác và gia tăng các hoạt động thường ngày. Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae-cheol cho biết số vi phạm quy định y tế tại nơi đông người đang tăng lên. Các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát tại những nơi có khả năng lây nhiễm cao như nhà hàng, quán cà phê, cơ sở xông hơi và trung tâm chăm sóc trẻ em. Giới chức y tế cảnh báo có thể siết chặt các quy định tại những nơi đông người và các hoạt động của doanh nghiệp nếu xu hướng này tiếp diễn.
Tuần trước, Hàn Quốc đã quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội hiện hành cho đến hết ngày 2/5, trong khi cấm các hoạt động tại các cơ sở vui chơi giải trí ở khu vực Seoul và thành phố cảng miền Nam Busan.
Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng mạnh
Ngày 15/4, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 729 ca mắc mới bệnh COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 4/2 (với 734 ca, khi khu vực này đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp). Các chuyên gia y tế cho rằng Nhật Bản đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 4.
Dịch bệnh đang lây lan mạnh trên cả nước Nhật Bản do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được cho là dễ lây nhiễm hơn. Trước đó, ngày 14/4, Nhật Bản đã ghi nhận 4.300 ca nhiễm mới, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ ngày 23/1.
Cùng ngày 15/4, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết chính phủ sẽ làm "mọi cách có thể" để ngăn chặn dịch bệnh trước thềm Olympic và Paralympic Tokyo sau khi một quan chức trong đảng cầm quyền ở nước này cho biết việc hủy sự kiện thể thao này có thể là một phương án nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.
Ấn Độ ghi nhận trên 200.000 ca mắc mới
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 15/4 thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đã tăng đột biến trong 24 giờ qua.
Với trên 200.000 ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, đến nay Ấn Độ đã có tổng cộng 14,2 triệu ca mắc COVID-19, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Số ca tử vong tăng thêm 1.183 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lên 174.335 ca.
Cuối tuần này, lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng triển khai tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các trung tâm thương mại, phòng tập thể thao, dịch vụ ăn uống phục vụ tại nhà hàng,... sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối tuần.
Ấn Độ từng áp đặt lệnh phong tỏa 1 năm trước và lệnh phong tỏa này đã khiến kinh tế nước này suy giảm nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng tránh áp đặt lệnh phong tỏa lần 2.
Hong Kong (Trung Quốc) mở rộng đối tượng tiêm chủng
Ngày 15/4, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sang nhóm đối tượng từ 16-29 tuổi.
Chương trình tiêm phòng COVID-19 ở Hong Kong đang diễn ra chậm chạp kể từ khi được triển khai vào tháng 2. Cho đến nay, chỉ có khoảng 8% trong tổng số 7,5 triệu dân của vùng lãnh thổ này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Ông Nhiếp Đức Quyền, Cục trưởng Cục Dịch vụ dân sự Hong Kong, cho biết việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp tăng số người đủ điều kiện tiêm phòng ở vùng lãnh thổ này lên 6,5 triệu người. Ông cũng kêu gọi người dân Hong Kong đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đó, ngày 12/4, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cho biết từ cuối tháng này, chính quyền sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế phòng dịch đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ. Hiện các quan chức đang thảo luận chi tiết các biện pháp nới lỏng này và dự kiến ban hành từ ngày 29/4. Các biện pháp này chỉ áp dụng đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Campuchia phong tỏa thủ đô, số ca mắc mới vẫn tăng cao
Bất chấp lệnh phong tỏa đã có hiệu lực, trong ngày 15/4, Campuchia ghi nhận 344 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.218 ca.
Ngày 15/4, Chính phủ Campuchia thông báo lệnh đóng cửa 14 ngày một số nhà máy dệt may tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal) trong nỗ lực nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19. Trước đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa Phnom Penh. Campuchia đã quyết định thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh 2 tuần, đến ngày 28/4 tới.
Sắc lệnh do Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký đêm 14/4, nêu rõ tình trạng phong tỏa có hiệu lực cả ở Takhmao, thành phố thủ phủ của tỉnh Kandal tiếp giáp Phnom Penh.
Quyết định phong tỏa của Chính phủ Campuchia cấm mọi hình thức tụ tập, trừ trường hợp các thành viên gia đình trong cùng một nhà; việc tổ chức tang lễ phải xin phép nhà chức trách.
Lệnh phong tỏa thủ đô Campuchia được đưa ra chỉ một ngày sau khi Đô thành Phnom Penh kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 tuần, cho tới hết ngày 28/4, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch COVID-19 vốn đã buộc một loạt chợ đầu mối và chợ dân sinh ở Phnom Penh phải đóng cửa.
Số ca mắc mới ở Thái Lan tăng kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp
Ngày 15/4, Thái Lan ghi nhận thêm 1.543 ca mắc COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 37.453 ca. Trong khi đó, số ca tử vong duy trì ở mức 97 ca.
Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca mắc mới có 1.540 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. Cho tới nay, đã có 75/77 tỉnh ở nước này xuất hiện các ca mắc liên quan đến ổ dịch mới bùng phát, chủ yếu do biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Anh.
Truyền thông địa phương đưa tin Chính phủ Thái Lan có thể sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok và các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 sau dịp Tết cổ truyền Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước).
Hiện 43/77 tỉnh của Thái Lan đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với du khách. Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các quan chức trong tất cả các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà cho đến cuối tháng nếu có thể và khuyến nghị khu vực tư nhân làm theo để giúp ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát thứ ba.
Bộ Y tế Thái Lan đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm COVID-19 theo ngày có thể vượt quá 20.000 nếu không có các biện pháp phòng chống và người dân vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường.
Châu Âu
Bộ Y tế Đức hối thúc các bang chủ động thắt chặt hạn chế
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 15/4 đã hối thúc chính quyền 16 bang của nước này chủ động tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm nhanh chóng kiềm chế dịch COVID-19 lây lan, thay vì chờ đợi để áp đặt các biện pháp được chính phủ thông qua.
Phát biểu trước báo giới, ông nhắc lại thời kỷ khủng hoảng dịch bệnh mà Đức đã trải qua vào mùa Thu năm 2020 khi mà chính quyền các bang không ứng phó nhanh với dịch COVID-19. Nhấn mạnh đền chiều hướng dịch bệnh gia tăng, người đứng đầu Bộ Y tế Đức cho biết giới y tế cảnh báo sẽ có khoảng 6.000 bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tại các phòng chăm sóc tích cực vào cuối tháng 4 này.
Trong khi đó, người đứng đầu Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), ông Lothar Wieler đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng xấu đi. Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sớm có hành động khẩn cấp để khống chế làn sóng dịch bệnh thứ 3. Theo ông, nhiều bệnh viện sắp rơi vào tình trạng quá tải.
Trong ngày 15/4, Đức thông báo số ca nhiễm mới theo ngày tăng vọt với 30.634 ca, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 8/1, nâng tổng số ca bệnh lên trên 3 triệu ca. Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tỷ lệ người mắc bệnh tính trên 100.000 người trong 7 ngày đã tăng lên 160,1. RKI cho biết trong 24 giờ qua, Đức cũng có thêm 328 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 lên 80.141 người.
Tây Ban Nha lạc quan về kế hoạch tiêm phòng COVID-19
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết nước này sẽ chuẩn bị phân phối vaccine của Johnson & Johnson ngay khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh cho sử dụng sản phẩm này. Bên cạnh đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng lạc quan về việc duy trì đà tiêm phòng, dù các nước châu Âu đang hoãn sử dụng vaccine của Johnson & Johnson do lo ngại an toàn.
Việc bàn giao sớm 50 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) trong quý II sẽ giảm bớt mối lo ngại về việc tạm đình chỉ sử dụng vaccine của Johnson & Johnson. Bộ trưởng Darias cho biết Tây Ban Nha sẽ nhận được thêm 4-5 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech sớm hơn dự kiến.
Châu Mỹ
PAHO kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở châu Mỹ
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo việc giảm hoạt động phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước châu Mỹ cho thấy sự cần thiết phải tìm ra những biện pháp khác để ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng đáng lo ngại ở khu vực này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Etienne nhấn mạnh rằng chỉ biện pháp tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 không đủ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm hiện nay trong khu vực, vì không có đủ vaccine để bảo vệ tất cả mọi người ở những nước có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Do đó, người đứng đầu PAHO kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm như sử dụng khẩu trang và tuân thủ khuyến cáo giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo việc các nước nới lỏng các biện pháp đã áp dụng trong nhiều tháng qua có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bà Etienne chỉ rõ hiện Nam Mỹ đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh với số ca mắc COVID-19 mới tăng cao tại Brazil, Colombia, Venezuela, Peru, Argentina, Chile, Paraguay và Uruguay. Chính vì vậy, các nước cần phải có một chiến lược toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cho đến nay, các nước châu Mỹ đã triển khai tiêm chủng hơn 247 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức y tế thế giới (WHO), PAHO đã phân phối gần 3 triệu liều vaccine tại 28 quốc gia trong khu vực. Chỉ có Haiti và Venezuela cho đến nay là những quốc gia duy nhất Mỹ Latinh và Caribe chưa nhận được vaccine từ cơ chế này.
Mỹ kéo dài thời gian tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson
Các chuyên gia Mỹ cho biết việc tạm dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson sẽ kéo dài thêm ít nhất một tuần do cần thêm dữ liệu để đánh giá sự liên quan giữa sản phẩm này và hiện tượng đông máu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã triệu tập cuộc họp vào ngày 14/4, một ngày sau khi nhà chức trách ghi nhận 6 trường hợp có hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu trong vòng 2 tuần sau khi được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson, trong đó có 1 ca tử vong. Cuộc họp này nhằm quyết định có nên hạn chế sử dụng vaccine này đối với một nhóm người nhất định hay không. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên CDC cho rằng cần thêm dữ liệu để nghiên cứu. Chủ trì nhóm làm việc của CDC Beth Bell cho biết bà không muốn gửi đi thông điệp rằng vaccine này có vấn đề, mà muốn đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên lượng dữ liệu phù hợp.
Một số chuyên gia phản đối việc tạm dừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson, cho rằng có thể ảnh hưởng đến những nhóm dễ bị tổn thương. So với các vaccine khác, sản phẩm của Johnson & Johnson là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thường, giúp những người dễ bị tổn thưởng có thể tiếp cận tiêm phòng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định có đủ nguồn cung vaccine do Moderna và Pfizer sản xuất để tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành ở Mỹ trước cuối tháng 7.
Brazil cân nhắc các biện pháp tăng cường ứng phó với dịch
Tại Brazil, Ủy ban điều phối quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 cho biết nước này sẽ chỉ định thêm giường tại các bệnh viện tư nhân để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế công cộng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang ngày một tăng nhanh.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết chính phủ sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) hỗ trợ Brazil giải quyết tình hình thiếu nguồn cung ống nội khí quản điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, Thượng viện Brazil đang xem xét một đề xuất cho phép các công ty tư nhân mua và sử dụng vaccine. Các sáng kiến khác nhằm tăng cường chống dịch gồm phân phối khẩu trang và dung dịch sát khuẩn cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Argentina siết chặt các biện pháp ứng phó dịch
Ngày 15/4, Chính phủ Argentina đã công bố lệnh siết chặt các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 tại thủ đô Buenos Aires và vùng lân cận trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp hơn trong những tuần gần đây.
Theo quyết định do Tổng thống Alberto Fernandez ký, tất cả các trường học ở Buenos Aires và vùng phụ cận sẽ tạm thời đóng cửa và chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Việc di chuyển của người dân vào thời gian ban đêm cũng bị hạn chế, trong đó lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 0h đến 6h. Cùng với đó, tất cả các hoạt động giải trí, xã hội, văn hóa, thể thao và tôn giáo tại các cơ sở khép kín sẽ tạm dừng hoạt động, các cơ sở kinh doanh sẽ chỉ được phép hoạt động từ 9h đến 19h. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực ít nhất trong hai tuần tới.
Tổng thống Fernandez khẳng định đây là những biện pháp cần thiết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới khó lường để bảo đảm cho hệ thống y tế không bị quá tải, đồng thời vẫn tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân. Liên quan đến các địa phương, nhà lãnh đạo Argentina cho biết tùy vào diễn biến thực tế của dịch bệnh, các lãnh đạo địa phương được quyền đưa ra những biện pháp phù hợp.