Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 11/12: Thế giới vượt 70 triệu ca bệnh; Tình hình dịch nghiêm trọng ở nhiều nước

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 633.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 70 triệu ca, trong đó trên 1,58 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Brazil (51.681 ca) và Ấn Độ (34.66 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.597 ca), Italy (887 ca) và Mexico (781 ca). 

Châu Mỹ

Số ca tử vong theo ngày tại Mỹ cao kỷ lục

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, Mỹ ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới 6 giờ sáng 11/12 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 182.000 ca bệnh và 2.597 ca tử vong.

Trước đó, theo thống kê của trường Đại học John Hopkins, trong ngày 9/12, nước Mỹ đã ghi nhận trên 3.000 trường hợp tử vong do bệnh COVID-19. Đây là mức tử vong ghi nhận theo ngày cao nhất tại Mỹ kể từ tháng 4 vừa qua.

Giới chức Mỹ cảnh báo số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến, trong bối cảnh hàng triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng trước, phớt lờ những khuyến cáo hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Bang California - khu vực có 33 triệu người sinh sống và đang áp đặt lệnh phong tỏa - cũng đã ghi nhận số ca mắc theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại bang này.

Trong hai tuần qua, Mỹ đã nhiều lần chứng kiến số ca tử vong trong vòng một ngày vượt quá 2.000 ca. Trước chuỗi lây lan ngày càng rộng và không thể kiểm soát của virus SARS-CoV-2, ngày 10/12, các chuyên gia Mỹ sẽ nhóm họp để đánh giá về khả năng triển khai khẩn cấp loại vaccine tiềm năng do hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, chính phủ Mỹ có kế hoạch bắt đầu phân phối 2,9 triệu liều vaccine phòng bệnh COVID-19 sớm nhất là vào cuối tuần này, nếu vaccine do tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Tướng Gustave Perna - phụ trách giám sát chương trình thúc đẩy phát triển vaccine Warp Speed của chính phủ, cho biết chính quyền liên bang Mỹ cũng sẽ bổ sung 2,9 triệu liều vaccine để phục vụ tiêm nhắc lại mũi thứ hai. Vaccine của Pfizer/BioNTech được tiêm hai lần, cách nhau 21 ngày. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 500.000 liều vaccine được dự phòng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

Phát biểu của ông Perna được đưa ra trước thềm cuộc họp của FDA dự kiến diễn ra ngày 10/12 để bỏ phiếu về việc có nên cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech hay không. Nếu Ủy ban Tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan của FDA chính thức đề xuất vaccine của Pfizer/BioNTech, cơ quan này có thể sẽ công bố quyết định cấp phép “trong vài ngày tới”. 

Trước đó, FDA cho biết các thử nghiệm liên quan đến vaccine của Pfizer/BioNTech cho thấy “không có mối lo ngại đặc biệt nào về độ an toàn”. Vaccine của Pfizer/BioNTech là một trong số các ứng cử viên vaccine tiềm năng nhất đang được nhiều nước trên thế giới xem xét để thông qua.

Mexico ký thỏa thuận mua 35 triệu liều vaccine 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, Mexico ngày 24/11. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Mexico đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc, mua 35 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Cho đến nay, Mexico đã ký thỏa thuận mua tổng số 146,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer và CanSino Biologics, trong đó có 34,4 triệu liều từ Pfizer. Bộ Y tế Mexico cho biết nước này sẽ triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng này, trong đó ưu tiên cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Theo kế hoạch, Mexico sẽ tiếp nhận 250.000 liều vaccine đầu tiên của Pfizer ngay trong tháng 12 này.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình hình dịch COVID-19 tại Mexico hiện rất nghiêm trọng, đồng thời khuyến cáo chính phủ nước này cần triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm và tử vong gia tăng như hiện nay.

Mexico là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận trên1,2 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 111.000 ca tử vong, đứng thứ 11 thế giới về số ca nhiễm và thứ 4 thế giới về số ca tử vong.

Cơ quan giám sát dịch tễ Brazil sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil ngày 3/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/12, Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) quyết định sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào, qua đó giúp đẩy nhanh hơn so với dự kiến các chương trình tiêm chủng tại quốc gia này.

Thông báo của Giám đốc Anvisa Alessandra Bastos Soares nêu rõ, “loại vaccine ngừa COVID-19 sẽ chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp và thử nghiệm nếu có yêu cầu chính thức từ bất kỳ công ty sản xuất nào”. Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp là một cơ chế có thể điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp và sử dụng vaccine ngừa COVID-19 chưa được đánh giá và đăng ký, miễn là chúng đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ phòng thí nghiệm nào đưa ra một lời đề nghị chính thức liên quan tới việc cấp phép trên. Hiện chính phủ Brazil và một số bang của nước này đang phối hợp với một số phòng thí nghiệm trên thế giới để thực hiện các giai đoạn thử nghiệm lâm sang hướng tới việc sản xuất tại nước này, trong đó có liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca, công ty Pfizer của Mỹ và Sinovac của Trung Quốc.

Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 trên thế giới. Theo thống kê chính thức, đến nay nước này đã ghi nhận trên 6,7 triệu trường hợp mắc bệnh, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ấn Độ, và khoảng 179.000 ca tử vong, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới bất ngờ gia tăng tại nhiều bang của Brazil và các chuyên gia cảnh báo đây có thể là thời điểm quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai cho dù vẫn chưa thực sự kết thúc giai đoạn thứ nhất.

Châu Âu

Số ca nhiễm và tử vong tại Pháp tiếp tục tăng cao 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 25/11. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Pháp xác nhận nước này có thêm 13.750 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính đến hết ngày 10/12, Pháp ghi nhận tổng cộng 2,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 56.940 ca tử vong (sau khi có thêm 296 ca tử vong trong ngày 9/12).

Thông tin này khiến dư luận quan ngại về kế hoạch nới lỏng hạn chế xã hội mà Chính phủ Pháp dự kiến sẽ thực hiện vào giữa tháng 12 này. Trước đó, ngày 28/11, Pháp bắt đầu giai đoạn đầu tiên của chiến lược mở cửa trở lại 3 giai đoạn, trong đó tất cả các cửa hàng không thiết yếu sẽ được duy trì hoạt động, song phải tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt, như đảm bảo giãn cách mỗi khách hàng trên 8m2 sàn cửa hàng, lưu thông một chiều và thông gió tại các cơ sở kinh doanh.

Giai đoạn nới lỏng thứ hai dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 15/12 nếu số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Pháp giảm xuống còn 5.000 ca/ngày và số ca bệnh nặng cần điều trị đặc biệt ít hơn 3.000 bệnh nhân/ngày.

Số ca nhiễm mới ở Đức lên mức cao kỷ lục từ đầu dịch

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 26/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh ở Đức ngày càng trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đạt mức cao kỷ lục từ đầu dịch với 28.179 ca. 

Giới chức y tế Đức cho rằng tình hình đang hết sức đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân, đồng thời cho rằng các biện pháp kiềm chế dịch hiện nay là chưa đủ hiệu quả. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Đức đã lên tới hơn 21.200 người, trong đó cá biệt có những ngày ghi nhận tới gần 600 ca tử vong.

Ukraine đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Kiev, Ukraine ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Ukraine thông báo sẽ đóng cửa các trường học (ngoại trừ trường mẫu giáo) và những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như rạp chiếu phim trong 2 tuần, kể từ ngày 8/1 tới, nhằm "ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới".

Cụ thể, các phòng tập thể dục, bể bơi, trường tiểu học - trung học và đại học sẽ đóng cửa. Hoạt động biểu diễn ca nhạc và sân khấu tạm thời bị đình chỉ, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ phục vụ khách mua hàng mang đi hoặc dịch vụ giao hàng. Mặc dù vậy, các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, khách sạn và giao thông công cộng vẫn được duy trì hoạt động.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine ngày 10/12 ghi nhận 13.371 ca mắc mới COVID-19 và 266 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia 40 triệu dân này đến nay là 858.714 trường hợp, trong đó  14.470 người tử vong.

Châu Á

Giới chức Y tế Hàn Quốc lo ngại về làn sóng dịch thứ 3

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được đưa tới điều trị tại trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 9/12. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Hàn Quốc đang lo ngại làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 đang hình thành tại nước này khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 1 ngày đã lên tới con số gần 700 trong 2 ngày qua, theo đó cảnh báo làn sóng dịch bệnh này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn. 

Nhà chức trách y tế Hàn Quốc thông báo trong 3 tuần tới sẽ mở rộng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan tại khu vực đông dân cư này. 

Báo cáo của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 10/12 ghi nhận có thêm 682 ca nhiễm mới tại nước này và đáng quan ngại là 646 ca trong đó là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, bao gồm tỉnh Gyeonggi và Incheon, ghi nhận 489 ca nhiễm mới. Trước đó, ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận có 686 ca nhiễm mới - mức cao thứ 2 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này hồi tháng 1. Cho đến nay, ngày 29/2 là ngày Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, 909 ca. 

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ thiết lập các trung tâm kiểm soát dịch bệnh tạm thời ở khu vực thủ đô. Theo đánh giá của giới chức y tế nước này, làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Hàn Quốc dài hơn và quy mô lan rộng hơn so với tháng 1 - thời điểm nước này phát hiện ca đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2. 

Thủ đô Nhật Bản ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 19/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/12, thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 602 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày tại Tokyo vượt 600 ca kể từ khi đại dịch bùng phát tại Nhật Bản.

Tính đến ngày 10/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Tokyo là 45.529 người, trong đó gần 2.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Hiện có 59 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Trong số ca nhiễm mới tại Tokyo, bệnh nhân trong độ tuổi 30 nhiều nhất - với 137 ca, tiếp đến là bệnh nhân độ tuổi 20 và 40 lần lượt là 135 và 111 ca. 

Chính quyền thủ đô Tokyo vẫn duy trì cảnh báo dịch COVID-19 ở mức cao nhất khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao thời gian gần đây. Theo quy định hạn chế hiện đang được áp dụng, các cửa hàng ăn uống phục vụ rượu, bia, cửa hàng karaoke…chỉ được mở cửa đến 10 giờ tối, áp dụng đến ngày 17/12. 

Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cũng ảnh hưởng đến hệ thống y tế của thủ đô Tokyo. Mới đây Chủ tịch Hội Y học Tokyo Haruo Ozaki đã cảnh báo khả năng các bệnh viện ở thủ đô Tokyo không thể cứu sống các bệnh nhân trong bối cảnh số người nhập viện vì dịch COVID-19 liên tục tăng. Ông Ozaki cho biết ngày càng có nhiều người trung niên và cao tuổi mắc COVID-19, theo đó số người nhập viện gia tăng và thời gian điều trị nội trú kéo dài hơn. Ông Ozaki khẳng định cơ quan y tế Tokyo sắp đối mặt với tình huống không thể bảo vệ các bệnh nhân COVID-19 cũng như bệnh nhân mắc các bệnh khác.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay tại Nhật Bản, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị chính phủ nước này thu hẹp quy mô  chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” và kêu gọi người dân cân nhắc việc di chuyển trong thời điểm cuối năm. 

Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản, Shigeru Omi cho rằng cần đưa các khu vực có số ca nhiễm mới tăng cao ra khỏi chương trình này. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch này khi quyết định gia hạn triển khai đến tháng 6/2021.

Trung Quốc phát hiện 1 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Các gian hàng tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc, thông báo đã phát hiện một ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở tỉnh này.        

Trường hợp trên là một bệnh nhân nam 40 tuổi, họ Kong, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Đông Ninh. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 của thị trấn Đông Ninh, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 9/12 và sau đó được xác nhận mắc COVID-19.

Chính quyền thị trấn Đông Ninh đã khởi động chương trình khẩn cấp, cử đoàn kiểm tra dịch tễ, thực hiện xét nghiệm axit nucleic và khử trùng các khu vực bệnh nhân đi qua. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Kong cũng đang được xét nghiệm và theo dõi y tế.

Israel triển khai chương trình tiêm chủng từ ngày 27/12

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Rishon Letzion, Israel ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm ở nước này vào ngày 27/12 tới. 

Thông tin trên được Thủ tướng Netanyahu đưa ra khi ông có mặt tại sân bay Ben Gurion để tiếp nhận lô vaccine đầu tiên theo hợp đồng với Pfizer/BioNTech. Lô vaccine đầu tiên được hãng vận chuyển DHL chuyển tới Israel bằng đường hàng không này nằm trong hợp đồng mua 8 triệu liều vaccine mà Israel ký với Pfizer/BioNTech.

Phát biểu tại sân bay, ông Netanyahu cho biết các cơ sở y tế công cộng của Israel có khả năng thực hiện 60.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày. Dự kiến, trong ngày 10/12, Israel sẽ tiếp nhận lô vaccine thứ hai của Pfizer/BioNTech. Nhà lãnh đạo Israel đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng COVID-19 và cho biết ông sẽ là người tiêm mũi đầu tiên.

Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, Israel còn đặt mua 6 triệu liều vaccine của hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), dự kiến được vận chuyển đến Israel vào năm 2021. Như vậy, Israel đảm bảo có tổng cộng 14 triệu liều vaccine cho 9 triệu dân nước này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
WFP cảnh báo về một 'đại dịch đói' tồi tệ hơn đại dịch COVID-19
WFP cảnh báo về một 'đại dịch đói' tồi tệ hơn đại dịch COVID-19

Phát biểu trong buổi lễ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo về một "đại dịch đói" có thể tồi tệ hơn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN