Theo tờ SCMP (Hong Kong, Trung Quốc), khi tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang chậm lại ở New York và Californnia thành công trong giảm số ca lây nhiễm, các bang khác khắp nước Mỹ mới bắt đầu cuộc chiến chống COVID-19 khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt cả ở cộng đồng lớn lẫn nhỏ.
Theo tờ New York Times, mặc dù một nửa trong số các hạt ở Mỹ có số ca COVID-19 cao nhất tính theo dân số đều nằm ở New York, nhưng tỷ lệ lây nhiễm cao thứ hai tính theo đầu người lại là ở hạt Blaine, bang Idaho ở miền Tây.
Là nơi có chưa đầy 22.000 sinh sống, nổi tiếng với khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Sun Valley, hạt Blaine giờ đây lại lên mặt báo vì có tỷ lệ lây nhiễm virus thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong thực tế, tính tới 14/4, một trong những nơi có chùm ca bệnh nhiều nhất Mỹ lại nằm ở bang Nam Dakota thuộc vùng Đại Bình nguyên thưa dân. Tại đây, trên 300 công nhân làm việc trong một nhà máy chế biến thịt lợn lớn ở Siouz Falls mắc COVID-19 trong cuối tuần vừa rồi.
Mặc dù tổng số ca bệnh nghe có vẻ cao chót vót ở các thành phố lớn, nhưng với các thành phố nhỏ, virus có thể đặc biệt gây tổn hại tới cả hệ thống chăm sóc y tế và nền kinh tế địa phương mong manh ở đây. Nhiều thành phố nhỏ chỉ sống dựa vào một số doanh nghiệp lớn mà khi những doanh nghiệp này đóng cửa vì COVID-19, hậu quả có thể khủng khiếp.
Miền Nam
Ở miền Nam, bang Louisiana bị tác động đặc biệt nặng nề. Giáo xứ Orleans, nơi có thành phố New Orleans, là nơi có tỷ lệ lây nhiễm bệnh lớn thứ tám ở Mỹ. Tính tới 16/4, Louisiana có 21.518 ca mắc COVID-19 và 1.013 ca tử vong. Virus đã xuất hiện ở toàn bộ 64 giáo xứ ở bang. Chỉ riêng New Orleans đã có 5.718 ca mắc bệnh và 244 ca tử vong.
Ba hạt nông thôn ở bang Georgia chiếm ba vị trí cuối cùng trong danh sách 10 hạt có tỷ lệ lây nhiễm theo đầu người cao nhất. Đây là điều cho thấy không chỉ khu vực đô thị lớn mới gặp nguy cơ. Tính tới 16/4, bang Georgia có 14.223 ca mắc COVID-19 và 501 ca tử vong. Phần lớn ca tử vong nằm ở hạt Dougherty, nơi sinh sống của chưa đầy 100.000 dân.
Bang Florida bị chỉ trích vì chậm đóng cửa doanh nghiệp và bãi biển cho dù bang này có dân số già. Hậu quả là Florida đang trở thành một ổ dịch lớn. 524 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh.
Đông Bắc
Cùng với New York, bang New Jersey lân cận cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính tới 16/4, bang này có 68.824 ca mắc COVID-19.
Bang ở phía Bắc New York là Massachusetts giờ là bang có ca nhiễm virus nhiều thứ ba ở Mỹ với 28.163 ca tính tới 16/4.
Thị trưởng thành phố Boston thuộc bang Massachusetts, ông Marty Walsh cho biết thành phố đang đối mặt với làn sóng bệnh nhân nhập viện tăng vọt và số ca mắc bệnh đã gấp đôi chỉ trong cuối tuần qua. Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Boston đã trở thành bệnh viện dã chiến với 500 giường dành cho bệnh nhân vô gia cư và 500 giường dành cho các bệnh viện quá tải.
Boston đang xét nghiệm diện rộng nên số ca lây nhiễm chắc chắn sẽ tăng. Thị trưởng Boston cam kết mọi người dân đều có thể được xét nghiệm.
Bang Pennsylvania cũng trở thành mảnh đất màu mỡ của virus khi có 25.345 ca mắc COVID-19 và 584 ca tử vong. Gần đây, số ca nhiễm mới giảm nhưng số ca tử vong thì không.
Vùng Trung Tây
Các khu vực đô thị và ngoại ô ở phần lớn khu vực Trung Tây đều bình an vô sự trong những tuần đầu tiên SARS-CoV-2 lan khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, những ngày gần đây, những khu vực này đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Ở bang Indiana, đã có 387 ca tử vong ở hạt Marion, nơi có thủ phủ Indianapolis. Ở Wisconsin, hạt Milwaukee, nơi có thành phố lớn nhất bang, ghi nhận ít nhất 1.700 ca mắc COVID-19 và 94 ca tử vong.
Bang Michigan ghi nhận 28.095 ca mắc COVID-19 và 1.921 ca tử vong tính tới 16/4. Hạt Wayne, nơi có thành phố Detroit lớn nhất bang, có 760 ca tử vong trong tổng số 11.648 ca bệnh.
Ngày 14/4, hình ảnh từ bệnh viện Sinai-Grace ở Detroit cho thấy thi thể bệnh nhân được để chật các phòng trống ở bệnh viện và chồng lên nhau trong các phòng lạnh di động ở bãi đỗ xe bệnh viện.
Detroit là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ với trên 6.800 ca mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong lên tới hơn 5%. Người dân ở đây đặc biệt rủi ro vì nhiều người không được thường xuyên tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện kể cả trước đại dịch. 36% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói. Một số còn không có nước máy để duy trì vệ sinh cơ bản phòng bệnh.
Ở bang Illinois, thành phố lớn thứ ba Mỹ Chicago gần đây được ca ngợi về phản ứng trong phòng chống COVID-19 nhưng đang hết dần máy thở và phải vội vàng thiết lập bệnh viện dã chiến trong trung tâm hội nghị.
Chicago có tỷ lệ lây nhiễm cao hàng đầu Mỹ với trên 9.100 ca mắc và trên 300 ca tử vong.
Vùng Đại Bình nguyên
Trong khi COVID-19 lây lan khắp nước Mỹ, giới chức ở các bang nông thôn như Nebraska, Kansas, Bắc Dakota, Nam Dakota tiếp tục tranh cãi xem có phát lệnh yêu cầu người dân toàn bang ở nhà hay không.
Tại Kansas, Thống đốc Laura Kelley đã cấm tụ tập trên 10 người, kể cả tụ tập vì lý do tôn giáo. Thống đốc đảng Dân chủ này đã xung đột với giới lãnh đạo lập pháp phe Cộng hòa – những người muốn bác lệnh cấm.
Tại Nam Dakota, ngay cả khi bang này đang trở thành một trong những điểm nóng lây nhiễm COVID-19 mới nhất nước Mỹ và có tới 70% người dân ở Nam Dakota có nguy cơ lây nhiễm, Thống đốc Kristi Noem vẫn không ra lệnh cho người dân ở nhà.