Dưới đây là quy định về bắt buộc tiêm vaccine ở một số quốc gia theo tổng hợp của hãng tin Reuters:
Australia: Vào cuối tháng 6, Australia đã quyết định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 đối với những người chăm sóc người già và nhân viên có nguy cơ cao trong các khách sạn cách ly.
Chính phủ cũng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các vận động viên Paralympic tới Tokyo vì các thành viên chưa được tiêm trong đội có thể gặp rủi ro về sức khỏe.
Anh: Các nhân viên chăm sóc tại nhà ở Anh sẽ bắt buộc phải tiêm phòng COVID-19 từ tháng 10.
Ngoài ra, trong một động thái đảo ngược chính sách với “Ngày Tự do” (dỡ bỏ hầu hết các hạn chế kể từ ngày 20/7), Chính phủ Anh yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ khi tới các địa điểm đông người, như hộp đêm. Quy định này được đưa ra sau khi nghiên cứu cho thấy khoảng 35% thanh niên từ 18-30 tuổi ở Anh chưa được tiêm phòng.
Ngoài ra, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, từ cuối tháng 9, khi tất cả người trưởng thành có cơ hội được tiêm đủ 2 mũi vaccine, “hộ chiếu” vaccine nội địa sẽ là bắt buộc ở Anh.
Canada: Ban Thư ký Hội đồng Ngân khố Canada cho biết hôm 20/7, họ đang xem xét liệu vaccine COVID-19 có cần thiết cho một số vai trò và vị trí nhất định trong chính phủ liên bang hay không.
Pháp: Tất cả nhân viên y tế ở Pháp đều bắt buộc phải tiêm COVID-19 và bất kỳ ai muốn vào rạp chiếu phim hoặc lên tàu sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính - theo quy định mới được Tổng thống Emmanuel Macron công bố vào ngày 12/7.
Ngày 19/7, Chính phủ Pháp thông báo rằng, mức phạt dự kiến 45.000 euro đối với các doanh nghiệp không kiểm tra xem khách hàng có giấy thông hành sức khỏe sẽ được hạ thấp hơn nhiều, bắt đầu từ 1.500 euro và tăng dần đối với những người tái phạm. Tiền phạt sẽ không phải nộp ngay lập tức.
Hy Lạp: Ngày 12/7, Hy Lạp đưa ra yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 với nhân viên viện dưỡng lão và nhân viên y tế kể từ tháng 9. Ngoài ra, theo các biện pháp mới, chỉ những khách hàng đã được tiêm chủng mới được phép vào bên trong các quán bar, rạp chiếu phim, nhà hát và các không gian kín khác.
Indonesia: Indonesia đã yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine từ tháng 2. Chính quyền thủ đô Jakarta quy định phạt tiền tới 5 triệu rupiah (357 USD) với những người từ chối tiêm vaccine.
Italy: Một nghị định được chính phủ Italy thông qua từ tháng 3 yêu cầu các nhân viên y tế, bao gồm cả dược sĩ, phải tiêm phòng COVID-19. Những người từ chối có thể bị đình chỉ việc mà không được trả lương trong thời gian còn lại của năm.
Kazakhstan: Bộ Y tế Kazakhstan cho biết hôm 23/6, nước này sẽ áp dụng tiêm chủng COVID-19 bắt buộc hoặc xét nghiệm hàng tuần cho những người lao động trong các nhóm từ trên 20 người.
Ba Lan: Ba Lan có thể bắt buộc tiêm chủng đối với một số người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 từ tháng 8.
Nga: Theo tờ Moscow Times, Thủ đô Moskva đã tiết lộ kế hoạch yêu cầu 60% tất cả công dân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phải được tiêm chủng đầy đủ trước ngày 15/8.
Người dân Moskva không còn phải xuất trình mã QR chứng minh họ đã được tiêm phòng hoặc có khả năng miễn dịch để được ngồi bên trong các quán cà phê, nhà hàng và quán bar kể từ ngày 19/7.
Saudi Arabia: Vào tháng 5, Saudi Arabia đã yêu cầu toàn bộ người lao động các khu vực công và tư nhân muốn đến nơi làm việc phải tiêm vaccine, nhưng không nêu rõ thời điểm thực hiện.
Người dân cũng sẽ phải tiêm phòng khi vào bất kỳ cơ sở chính phủ, tư nhân hoặc cơ sở giáo dục nào cũng như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ ngày 1/8. Công dân Saudi Arabia sẽ cần tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 nếu muốn xuất cảnh từ ngày 9/8.
Fiji: Đảo quốc Thái Bình Dương Fiji vừa công bố kế hoạch bắt buộc toàn bộ người lao động tiêm vaccine ngừa COVID-19 với thông điệp cương quyết Thủ tướng Frank Bainimarama đưa ra là “không tiêm, mất việc”.
Ông Bainimarama yêu cầu toàn bộ nhân viên trong lĩnh vực công ở quốc gia 930.000 dân này phải nghỉ phép nếu như không đi tiêm mũi đầu tính đến hạn 15/8 và sẽ bị sa thải nếu không tiêm mũi hai với hạn chót 1/10. Các cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng, trong khi các công ty có người lao động vi phạm có nguy cơ phải đóng cửa.