Các nhà nghiên cứu cảnh báo số lượng lợn rừng đang sụt giảm do lây lan của dịch tả lợn châu Phi, đe dọa sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào chúng để kiếm thức ăn.
Với tỷ lệ tử vong gần như 100%, dịch tả lợn châu Phi đã quét qua châu Á, châu Âu và châu Phi, xóa sổ nhiều đàn lợn nhà và lợn rừng trong 10 đến 20 năm qua. Các nhà nghiên cứu cho biết tác động này đặc biệt nghiêm trọng ở đảo Borneo, Đông Nam Á, nơi số lượng lợn râu đã giảm từ 90% kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại đảo vào năm 2021.
Theo một bài đăng trên tạp chí Science, lợn râu từng là loài động vật có vú lớn phổ biến nhất trên đảo Borneo, đóng vai trò quan trọng như “kỹ sư hệ sinh thái”, phân tán hạt giống trên một diện tích lớn.
Giáo sư Erik Meijaard, tác giả chính của bài đăng, lo lắng: “Những con lợn này đã biến mất. Ngay khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào một quần thể, nó sẽ xóa sổ mọi thứ”. Ông Meijaard tin rằng loài lợn có râu có thể cần được đưa vào danh sách dễ bị tổn thương đến cực kỳ nguy cấp do dịch tả lợn châu Phi.
Ở Borneo, việc mất đi loài lợn râu đã có tác động to lớn đến cộng đồng phụ thuộc vào chúng để kiếm thức ăn. Các nghiên cứu địa phương cho biết lợn râu từng chiếm 81% tính theo trọng lượng trong tổng số động vật hoang dã bị săn bắt ở một số ngôi làng. Bây giờ, con số đó gần bằng 0. Đó là vấn đề an ninh lương thực.
Theo ông Meijaard, người dân địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào lợn rừng và lợn hoang để đáp ứng nhu cầu protein của họ. Các nhà khoa học cảnh báo, sự biến mất của nguồn protein quan trọng này gây áp lực lên các loài khác. Khi không có lợn, hàng triệu người dân địa phương có thể chuyển sang săn bắt các loài có nguy cơ tuyệt chủng như khỉ đuôi lợn.
Việc mất đi đàn lợn rừng cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái. Lợn râu phát tán hạt của cây khi chúng ăn trái cây và di chuyển một quãng đường dài, phóng uế ra khắp khu rừng. Chúng cũng xới đất bằng mõm giup làm sạch bụi rậm và hỗ trợ rễ cây tiếp cận nhiều chất dinh dưỡng trong đất hơn.
Rừng ở Borneo là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, nhưng chỉ còn lại 50% do hàng thập kỷ khai thác gỗ và mở rộng đất nông nghiệp.
Các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu và can thiệp khẩn cấp, đồng thời thừa nhận những tác động đối với cộng đồng từ dịch tả lợn châu Phi.
Tiến sĩ Harriet Bartlett tại Đại học Oxford (Anh) cũng có ý kiến rằng việc nghiên cứu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi mới chỉ tập trung vào ngành chăn nuôi lợn. Bà nói: “Việc mở rộng trọng vượt ra ngoài các mối quan tâm kinh tế trước mắt để bao gồm các tác động sinh thái và xã hội rộng lớn hơn sẽ rất quan trọng để giải quyết dịch tả lợn châu Phi một cách hiệu quả”.