Dịch COVID-19: Nga không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc 

Ngày 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc dù nước này cùng ngày ghi nhận số ca mắc và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà đầu tư, Tổng thống Putin cho biết chưa có kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế quy mô, như một lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Trước đó, cùng ngày, Chính phủ Nga đã thông báo gói cứu trợ trị giá 11 tỷ rouble (khoảng 138,6 triệu USD) cho  khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

Nga ngày 29/10 đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 17.717 ca nhiễm và 366 ca tử vong. Hiện Nga là nước có số ca mắc COVID-19 thứ 4 trên thế giới với 1.581.693 ca, trong đó có 27.301 ca tử vong.

Cùng ngày, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố của Pakistan nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh những tuần gần đây ở nước này và mùa Đông đang đến gần. 

Giới chức y tế Pakistan ngày 28/10 đã công bố một loạt biện pháp mới phòng chống dịch, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/10, trong đó có lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại những vùng đô thị lớn, lệnh phong tỏa một vài điểm nóng dịch bệnh và hạn chế giờ hoạt động của các doanh nghiệp. Động thái này diễn ra một ngày trước khi Pakistan chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Mohammad, với ước tính hàng nghìn người sẽ đổ xuống đường phố trên cả nước. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 2 đến nay, Pakistan ghi nhận hơn 331.000 ca nhiễm, trong đó có 6.700 ca tử vong.
 
Cùng ngày, Tunisia thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cụ thể, nước này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau vào các ngày trong tuần và điều chỉnh sớm hơn 1 tiếng vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, chưa rõ lệnh giới nghiêm này sẽ kéo dài trong bao lâu. 

Bên cạnh đó, Tunisia cấm hoạt động đi lại giữa các vùng, ngoại trừ liên quan đến công việc và các trường hợp ngoại lệ khác. Các trường học sẽ đóng cửa cho đến ngày 8/11 trong khi sinh viên đại học sẽ phải học trực tuyến trong hai tuần. Quán cafe, nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 16h trong khi các cuộc tụ tập từ 4 người trở lên tại nơi công cộng sẽ bị cấm, trừ trên các phương tiện giao thông công cộng... 

Tunisia đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mà trên thực tế giúp làm giảm số ca nhiễm trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi mùa Hè. Tuy nhiên, kể từ khi nước này mở cửa trở lại biên giới vào tháng 6, số ca nhiễm đã tăng lên hơn 1.000 ca/ngày, khiến cho các bệnh viện quá tải. Giới chức Tunisia ngày 28/10 cảnh báo tình hình dịch bệnh đã trở nên "rất nguy hiểm", vì có quá nhiều bệnh nhân yêu cầu được nhập viện.

Minh Châu  (TTXVN)
Bộ trưởng Y tế Pháp không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba
Bộ trưởng Y tế Pháp không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết ông không loại trừ nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ ba xuất hiện trong bối cảnh chính phủ tuyên bố bắt dầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN