Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 7/10: Myanmar 1.400 ca/ngày; Malaysia họp Hội đồng An ninh Quốc gia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.278 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong vượt mốc 18.170 người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới khám và điều trị tại Banten, Indonesia, ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Singapore trong ngày ghi nhận một số ca bệnh mới song đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 400 ca bệnh phát sinh.

Myanmar tình hình đang xấu đi nhanh chóng do nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.400 ca bệnh mới và 39 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Malaysia cũng đang lo ngại về làn sóng dịch mới, khi nước này ghi nhận hàng trăm ca COVID-19 trong mấy ngày qua và xu thế này đang gia tăng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh; AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 18.172 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 743.808 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 593.106 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Cùng ngày, Brunei, Timor-Leste, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 7/10.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 7/10:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 329.637 +2.825 5.925 +60 273.723
Indonesia 315.714 +4.538 11.472 +98 240.291
Singapore 57.840 +10 27   57.624
Myanmar 21.433 +1.400 510 +39 6.084
Malaysia 13.993 +489 141   10.501
Thái Lan 3.615 +15 59   3.391
Việt Nam 1.099 +1 35   1.023
Campuchia 280       276
Brunei 146   3   143
Timor-Leste 28       28
Lào 23       22
Chú thích ảnh
 Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 29/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận thêm 2.825 ca mắc COVID-19 và 60 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 329.637 và 5.925.

Thủ đô Manila là khu vực có số ca mắc mới cao nhất. Bộ Y tế Philippines cho biết thêm tính đến nay trên 3,71 triệu người trong khoảng 109 triệu dân tại Philippines đã được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, ông Abeyasinghe, ghi nhận Philippines đã rất chủ động thực thi các quy định, cũng như triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển cần thiết nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh.

Tuy vậy, ông Abeyasinghe nhấn mạnh rằng Philippines cần thực thi biện pháp ứng phó toàn diện hơn, trong đó có việc tập hợp sự đoàn kết của tất cả các vùng, các thành phố và trên khắp cả nước. Ngoài ra, cần triển khai nhiều cơ chế cho việc chẩn đoán sớm, truy vết tiếp xúc, sớm cách ly và điều trị các ca mắc COVID-19, cũng như cách ly các ca tiếp xúc gần.

Chú thích ảnh
  Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tập thể dục tại Karawaci, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 7/10, chuyên gia của lực lượng đặc trách ứng phó dịch COVID-19 tại Indonesia Dewi Nur Aisyah cho biết số ca mắc COVID-19 tại 6 tỉnh lớn của nước này đã giảm trong tuần qua.

Các tỉnh trên bao gồm Bắc Sumatra, Jakarta, Tây Java, Đông Java, Nam Kalimantan và Nam Sulawesi. Phát biểu tại họp báo trực tuyến, ông Aisyah khẳng định xu hướng này là khởi đầu tốt, đồng thời bày tỏ hy vọng số ca nhiễm tại Indonesia sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới.

Bộ Y tế Indonesia cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng thêm 4.538 ca lên 315.714 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca lên 11.472 ca. Dịch bệnh hiện đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước. Jakarta là khu vực có số ca nhiễm mới cao nhất với 1.211 ca, trong khi tỉnh Bắc Maluku chưa có thêm ca nhiễm mới.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hạ viện (DPR) Indonesia, ông Azis Syamsuddin, xác nhận số liệu báo cáo của Ban Thư ký Hạ viện, theo đó 18 hạ nghị sĩ nước này đã mắc bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 7/10, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 489 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.993 ca.

Giới chức y tế nêu rõ trong số các ca nhiễm mới, có tới 487 ca lây nhiễm nội địa, chủ yếu là tại bang Sabah, miền Đông Malaysia, và một ổ dịch tại nhà tù ở bang Kedah, ở miền Bắc nước này. Số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở mức 141 ca.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia  Ismail Sabri Yaakob thông báo sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế tại 3 huyện ở bang Sabah, 1 huyện ở bang Selangor sau khi những khu vực này ban bố cảnh báo đỏ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Các biện pháp hạn chế sẽ bắt đầu vào ngày 9/10 bao gồm công tác sàng lọc y tế trong 2 tuần, cấm các chuyến đi không cần thiết từ đây hoặc tới những điểm này.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 7/10, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia, quyết định Hội đồng này sẽ nhóm họp hằng ngày để bàn về các vấn đề của đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phụ trách vấn đề an ninh đã thông báo quyết định trên tại cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày. Ông Yaakob cho biết thêm tại cuộc họp này, Hội đồng An ninh Quốc gia đã thống nhất tăng cường quản lý biên giới quốc gia, đặc biệt là biên giới ở vùng bờ biển phía Đông bang Sabah. Ngoài ra, Malaysia cũng sẽ tăng cường nhân viên chấp pháp cùng các nguồn lực liên quan để ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, kể từ 0h ngày 9/10, Malaysia sẽ áp dụng Lệnh Hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) tại 3 “vùng đỏ” (đang có trên 40 ca mắc COVID-19) ở bang Sabah là Sandakan, Papar, Tuaran và 1 “vùng đỏ’ thuộc bang Selangor là Klang. Với quyết định này, mọi hoạt động ra vào các “vùng đỏ” nêu trên đều bị cấm, mỗi gia đình chỉ có 2 thành viên được phép ra ngoài mua lương thực và nhu yếu phẩm, hoạt động của các dịch vụ thiết yếu như hàng ăn, cửa hàng tạp hóa, bách hóa… giới hạn trong phạm vi từ 6h sáng tới 6h tối….

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 4/10: Toàn khối gần 18.000 ca tử vong; Philippines tiếp đà ‘hạ nhiệt’
COVID-19 tại ASEAN hết 4/10: Toàn khối gần 18.000 ca tử vong; Philippines tiếp đà ‘hạ nhiệt’

Trong ngày 6/10, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 6.862 ca mắc COVID-19 mới và 153 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 733.000 ca, trong đó gần 18.000 bệnh nhân không qua khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN