Cam kết trên được đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống Chile - ông Sebastián Piñera - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Prosur, với sự tham gia với người đồng cấp các nước Argentina, Colombia, Ecuador, Paraguay, Peru, Uruguay, Bolivia và Brazil.
Các nhà lãnh đạo Nam Mỹ nhất trí cho rằng cần phải cùng nhau có các biện pháp đồng thời ở khu vực để đối phó với sự gia tăng các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như thúc đẩy việc cùng nhau mua các trang thiết bị y tế để có được điều kiện tốt nhất bởi tất cả các nước đều chia sẻ nhu cầu y tế chung trong vấn đề phòng chống dịch bệnh và điều trị các ca lây nhiễm. Lãnh đạo các nước quyết định sẽ phối hợp với các tổ chức tài chính đa phương khu vực như Ngân hàng liên Mỹ (IDB) và Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh để sớm triển khai chương trình này.
Cùng với các Bộ Ngoại giao và Y tế, lãnh đạo các nước thành viên Prosur cũng cam kết sẽ mở kênh liên lạc thường xuyên để chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh tại mỗi nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận 819 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca tử vong. Một loạt các nước trong khu vực đã quyết định đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.
Trong một diễn biến liên quan, hãng hàng không dân dụng liên doanh giữa Chile và Brazil LATAM sẽ buộc phải giảm 70% các hoạt động của hãng do nhu cầu đi lại giảm sút, nhiều nước trong khu vực đóng cửa biên giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp của nhà nước để vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.
Phó Chủ tịch phụ trách thương mại của LATAM - ông Roberto Alvo cho biết ban lãnh đạo hãng đã buộc phải đưa ra quyết định khó khăn này trong bối cảnh không thể thực hiện các chuyến bay tới phần lớn các nước ở Mỹ Latinh do lệnh đóng biên giới, đồng thời cảnh báo nếu những hạn chế đi lại tiếp tục bị siết chặt trong thời gian tới do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thì hãng sẽ buộc phải giảm hơn nữa hoạt động.
Động thái trên cho thấy những khó khăn và thách thực rất lớn đối với ngành hàng không và những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đối với Mỹ Latinh. Cách đây một tuần, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh này đã thông báo cắt giảm 30% các chuyến bay trong hai tháng tới. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới thì việc cắt giảm đã lên tới 90% các chuyến bay quốc tế và 40% các chuyến bay nội địa.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, ông Alvo cho rằng chính phủ các nước cần phải có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất đối với ngành du lịch và hàng không. Trước khi xảy ra khủng hoảng, LATAM có các chuyến bay tới 145 điểm đến ở 26 nước với khoảng 1.400 chuyến bay mỗi ngày.